Xây nhà nuôi yến tự phát giữa phố: Còn nhiều bất cập

04:10, 02/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 200 nhà nuôi yến quy mô hộ gia đình, tập trung nhiều nhất là khu vực TP.Quảng Ngãi và một số thị trấn, thị xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tỉnh chưa có quy hoạch về nuôi yến, nên công tác phòng, chống dịch bệnh, ô nhiễm tiếng ồn trong quá trình nuôi yến chưa được xử lý triệt để.
Lo ngại ô nhiễm, dịch bệnh
 
Hiện nay, trên địa bàn TP.Quảng Ngãi và các thị trấn, thị xã, số nhà nuôi yến mọc lên ngày càng nhiều. Nhiều hộ dân tận dụng nhà ở xây thêm tầng làm nhà nuôi yến, hoặc xây dựng nhà nuôi yến mới ngay giữa đô thị. Tuy nhiên, việc nuôi yến giữa các khu dân cư (KDC), khu đô thị (KĐT) khiến người dân sống lân cận lo ngại. Bởi lẽ, ngoài việc gây ô nhiễm môi trường (phân chim, lông chim) thì người dân phải chịu cảnh “tra tấn” tiếng ồn từ những máy phát để "gọi" chim yến đến làm tổ. 
 
Nhà ở của một hộ dân trên đường Nguyễn Trãi, TP.Quảng Ngãi được cải tạo tầng trên để nuôi chim yến.
Nhà ở của một hộ dân trên đường Nguyễn Trãi, TP.Quảng Ngãi được cải tạo tầng trên để nuôi chim yến.
 
Anh T, một người dân sống tại phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cho biết: Cách đây 5 năm, tôi chọn mua một lô đất trong một KDC để xây dựng nhà ở vì khu vực này khá thoáng đãng, bởi đa phần là nhà vườn. Tuy nhiên, sau hai năm sinh sống thì một hộ dân sống gần KDC xây dựng hai căn nhà để nuôi yến. Từ đó đến nay, gia đình tôi và những hộ dân sống cạnh đều ngao ngán vì suốt ngày cả khu vực luôn ồn ào tiếng chim yến.
 
“Sống gần nhà nuôi chim yến rất khó chịu, tiếng kêu từ các máy phát ra rả bên tai suốt ngày. Nhất là các ngày cuối tuần nghỉ ở nhà là chịu không thấu. Cuối tuần chỉ mong được nghỉ ngơi, sum họp gia đình, nhưng từ sáng sớm đến chiều tối luôn ồn ào”, anh T than thở.
 
Nhiều hộ dân ở KĐT  Uhome Lê Lợi (TP.Quảng Ngãi) thời gian qua cũng tỏ ra lo ngại khi một nhà nuôi chim yến đang được xây dựng. Các cư dân ở đây cho biết, đây là KĐT hiện đại, nhưng lại cho xây nhà nuôi yến là không nên. Nhà yến phải xây xa thành phố, không thể xây giữa trung tâm. Người dân cho rằng, tiếng ồn có thể không vượt quy chuẩn, nhưng về mặt tâm lý, khi mở máy "gọi" yến thường xuyên hằng ngày, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các trường hợp bị đau ốm, học tập của con em. Do đó, cần có đánh giá chính xác của ngành y tế cũng như phương án kiểm soát, nếu có dịch bệnh xảy ra.
 
Phải quy hoạch vùng nuôi yến
 
Đa phần các trường hợp xây dựng nhà nuôi yến ở các KĐT, KDC khi xin giấy phép đều ghi là xây dựng nhà ở cá nhân. Song, sau khi có giấy phép xây dựng thì các chủ hộ đổi công năng từ nhà ở thành nhà nuôi yến.
 
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện nay tỉnh chưa có quy định về việc cấp phép trong xây dựng nhà nuôi yến, bởi đây là các hộ gia đình cá thể nên nếu có xây dựng thì xin giấy phép xây nhà ở riêng lẻ và do UBND thành phố, thị xã, UBND cấp huyện cấp phép.
 
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi cho rằng: Hiện khung pháp lý để quản lý xây dựng nhà nuôi yến chưa có, nên khi người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở và có đơn thì phòng sẽ cấp phép. Giấy phép được cấp là xây dựng nhà ở, còn việc người dân tự ý cải tạo và xây dựng nhà nuôi yến, nhưng đúng theo mặt cắt ngang, dọc, chiều cao tầng như giấy phép thì không thể xử lý. 
 
Một nhà nuôi yến đang được xây dựng tại khu đô thị Uhome Lê Lợi, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi).
Một nhà nuôi yến đang được xây dựng tại khu đô thị Uhome Lê Lợi, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi).
 
Được biết, để quản lý việc nuôi chim yến, năm 2013, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 35 quy định về việc nuôi chim yến. Theo đó, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng NN&PTNT hoặc Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã, thành phố. Đối với cường độ âm thanh để dẫn dụ chim yến không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ.
 
Về chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác, nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường. Ngoài ra, cơ sở nuôi chim yến phải được kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền...
 
Quy định là thế, song đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có quy hoạch vùng nuôi để hướng dẫn người dân thực hiện, nên xảy ra tình trạng mạnh ai nấy xây nhà nuôi yến, nhất là giữa các KDC, KĐT, khiến cho nỗi lo của người dân càng lớn hơn. Đồng thời, có nguy cơ khi ban hành quy hoạch vùng nuôi thì số lượng nhà nuôi yến tự phát mọc lên giữa đô thị quá nhiều sẽ khiến cho công tác quản lý sau này thêm phức tạp, nhất là các nhà nuôi yến nằm trong vùng cấm nuôi.
 
Được biết, Sở NN&PTNT là cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo quy định khu vực chăn nuôi, trong đó có chim yến. Theo đó, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
 
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, tới đây khi hoàn thành và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về quản lý khu vực nuôi yến và hỗ trợ di dời, thì các khu vực cấm sẽ là các phường nội thành TP.Quảng Ngãi, các thị trấn, thị tứ thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi. Quy định phải tuân theo các điều kiện quy định tại Nghị định số 13 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Chăn nuôi.
 
Nuôi yến phải phù hợp với quy hoạch
 
Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT quy định việc nuôi chim yến phải tuân thủ quy hoạch, xa KDC, đảm bảo tính bền vững, phòng chống dịch bệnh, phù hợp với môi trường tự nhiên cho chim yến sinh sống và phát triển. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà yến, không phát triển tự phát ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của cộng đồng và sức khỏe nhân dân. Về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện.

 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 
 
 

.