Phát triển ngành dịch vụ: Cần định hướng đúng, giải pháp phù hợp

09:09, 07/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi xảy ra đại dịch Covid-19. Nguyên nhân chính là do khách quan, nhưng vẫn có yếu tố chủ quan là khả năng thích ứng còn hạn chế. Trong giai đoạn mới, Quảng Ngãi đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với những định hướng đúng để có thể phát triển nhanh và bền vững.
Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 7,28%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2020 ước đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, tăng bình quân 10,3%/năm. Nhiều dịch vụ có mức tăng trưởng khá, như: Vận tải, bưu chính, viễn thông; tài chính, ngân hàng.  
Nhiều nhà đầu tư hiện đã triển khai dự án kinh doanh dịch vụ cảng biển tại cảng nước sâu Dung Quất.      Ảnh: PV
Nhiều nhà đầu tư hiện đã triển khai dự án kinh doanh dịch vụ cảng biển tại cảng nước sâu Dung Quất. Ảnh: PV
Đặc biệt là dịch vụ phân phối, thương mại phát triển mạnh; hệ thống chợ truyền thống được đầu tư, nâng cấp. Một số siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại được đầu tư, đi vào hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Dịch vụ cảng biển bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh cũng thừa nhận rằng dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu liên kết. Dịch vụ vận tải biển chưa hiện đại, sức cạnh tranh hàng hóa qua cảng thấp.
 
Giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 7,5%/năm; đến năm 2025, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 29 - 30% GRDP. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là những ngành có hàm lượng tri thức, công nghệ, giá trị gia tăng cao. Tiếp tục tạo môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, hấp dẫn để khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển nhanh các ngành dịch vụ. Hình thành và phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở phát huy lợi thế của cảng biển nước sâu Dung Quất. Phát triển mạnh dịch vụ thông tin và truyền thông; mở rộng phát triển dịch vụ phân phối; đầu tư phát triển mới các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini ở các khu đô thị. Hiện đại hóa và mở rộng dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và hỗ trợ kinh doanh.
 
Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Đàm Minh Lễ: "Tập trung thu hút đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, logistics"
 
Giai đoạn 2016 - 2020, thu hút đầu tư của KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi dự kiến khoảng 6,6 tỷ USD, đạt 184% so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, thu hút nhiều dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là khai thác cảng tối đa công suất, hiệu quả cao, góp phần tạo ra sự phát triển vượt bậc của KKT Dung Quất. Giai đoạn 2021 - 2025, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có dịch vụ cảng biển, logistics.
 
Theo đó, tỉnh sẽ rà soát quy hoạch chi tiết cảng Dung Quất, xây dựng và tổ chức khai thác đồng bộ các cảng biển tổng hợp, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; đầu tư xây dựng, hình thành tuyến container trung chuyển quốc tế tại KKT Dung Quất. Quy hoạch các ngành dịch vụ vận tải biển; phát triển mạnh các ngành dịch vụ biển gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất như: Đại lý tàu biển, hoa tiêu, lai dắt; vận tải hàng hóa, dịch vụ cung cấp vật tư, thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc trên biển... Đồng thời, quy hoạch một quỹ đất thích hợp gần cảng Dung Quất để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng, đảm bảo thuận lợi nhất và kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia; kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực để thực hiện đầu tư đồng bộ nhằm xây dựng trung tâm logistics hiện đại tại KKT Dung Quất, đáp ứng yêu cầu phát triển của Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
 
Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Phiến: "Đa dạng loại hình, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải"
 
Những năm gần đây, dịch vụ vận tải phát triển nhanh; bình quân doanh thu tăng 14,5%/năm, lượng khách tăng11,1%/năm, lượng hàng hóa vận chuyển tăng 12,3%/năm. Các tuyến xe buýt được mở đến tất cả các huyện, thị xã. Các phương thức vận tải tăng nhanh về số lượng, nhất là vận tải đường bộ. Phương tiện vận tải gia tăng đột biến, hiện toàn tỉnh có đến gần 20.000 xe ô tô con, gần 1.000 xe khách, hơn 12.500 xe tải; tàu thủy vận tải hành khách nội địa 24 chiếc... Doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách rất lớn, giải quyết lao động cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi, hoạt động của loại hình dịch vụ này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân, chưa khai thác hết tiềm năng.
 
Hiện nay, ngành GTVT đang tập trung xây dựng phương hướng phát triển ngành dịch vụ, theo hướng chất lượng, cạnh tranh, tiện ích. Ngành sẽ tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ, nâng cao chất lượng cả giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt; tham mưu cho tỉnh về xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo phát triển đúng định hướng, gia tăng giá trị cho người kinh doanh, song cũng mang lại tiện ích, an toàn thực sự cho người dân. Qua đại dịch Covid-19, dịch vụ vận tải đã bị ảnh hưởng khá nặng nề, khả năng khôi phục phải mất một thời gian dài, rất cần được tỉnh có cơ chế, chính sách quan tâm hỗ trợ.
 
Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ: "Phát triển dịch vụ phù hợp với tiềm năng, lợi thế"
 
Là huyện miền núi, nhưng là cửa ngõ kết nối với Tây Nguyên, nên Ba Tơ có những lợi thế nhất định so với các huyện miền núi khác. Nhiều năm qua, Ba Tơ cũng rất quan tâm đến phát triển dịch vụ, bước đầu hình thành một số trung tâm dịch vụ, thương mại. Tuy nhiên, sự phát triển cũng còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
 
Trong chiến lược phát triển những năm tiếp theo, Ba Tơ tiếp tục xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Theo đó, huyện đang tập trung xây dựng hạ tầng, đặc biệt là chỉnh trang đô thị, từng bước thu hút đầu tư lĩnh vực dịch vụ. Huyện sẽ có chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đảm bảo hài hòa lợi ích nhiều phía.
 
Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven: "Đầu tư đồng bộ để thúc đẩy dịch vụ phát triển"
 
Nhiều năm nay, Sơn Tây luôn đặt ra mục tiêu từng bước phát triển dịch vụ, nhưng thực tế kết quả đạt được không cao. Nguyên nhân chính là do địa hình phức tạp, sông suối, đồi núi chia cắt trong khi kết nối với các tỉnh, khu vực lân cận chưa thuận lợi. Dịch vụ hiện tại ở Sơn Tây chủ yếu là dịch vụ thương mại, buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa khu vực đồng bằng với huyện và ngược lại. Còn kết nối giao thương với các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Kon Tum thì chưa, vì giao thông còn hạn chế. Dịch vụ vận tải cũng có gia tăng trong thời gian gần đây, song chủ yếu là phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân theo hình thức vận tải công cộng bằng xe buýt, mỗi ngày 4 lượt. Do địa hình hiểm trở, các loại hình dịch vụ vận tải khác cũng hầu như không hoạt động.
 
Định hướng phát triển dịch vụ của Sơn Tây trong những năm đến vẫn tập trung chủ yếu là dịch vụ thương mại và vận tải. Theo đó, huyện sẽ tập trung quy hoạch lại khu trung tâm huyện, đảm bảo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa. Kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân đầu tư thêm phương tiện để phát triển dịch vụ vận tải, kể cả vận tải hàng hóa. Muốn dịch vụ phát triển, Sơn Tây cần được quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ về văn hóa, du lịch, tạo điểm nhấn, để thu hút khách tham quan, qua đó tạo đà phát triển các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, vận tải, giải trí...
     
Thanh Nhị  
(thực hiện)
 

.