Gần 40 năm dẫn thuyền vươn khơi

02:09, 13/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần 40 năm nay, ông Nguyễn Tiến, thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) được ví như người anh cả của ngư dân vùng biển Sa Cần. Bởi tại cửa Sa Cần luồng lạch ra vào nhỏ hẹp, thường xuyên bị bồi lấp, nên ông Tiến nhận làm nhiệm vụ dẫn lối cho tàu thuyền tránh nạn.
Đồng hành cùng ông Tiến chinh chiến vượt cửa biển Sa Cần chỉ là một chiếc thúng chai. Ông Tiến hào sảng cho hay: “Thúng nhỏ, nhưng mà dẫn đầu đàn anh, băng qua bao con sóng đấy”. Ông Tiến kể lại: “Từ năm 15 tuổi tôi đã gắn bó với nghề lênh đênh trên biển cả. Cửa biển Sa Cần quá đỗi quen thuộc rồi, tôi đúc kết kinh nghiệm từng con nước thủy triều, biết rõ địa hình của cửa biển, nên tôi hướng dẫn tàu thuyền ra vào để tránh mắc cạn hoặc đâm phải đá ngầm, đỡ gây thiệt hại cho ngư dân”. 
 
Hằng ngày, ông Nguyễn Tiến, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) chèo thúng dẫn lối cho tàu thuyền ra vào cửa biển Sa Cần. Ảnh:  M.Duyên
Hằng ngày, ông Nguyễn Tiến, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) chèo thúng dẫn lối cho tàu thuyền ra vào cửa biển Sa Cần. Ảnh: M.Duyên
Sau một hồi neo đậu thuyền kiên cố, ngư dân Trần Văn Trưởng, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cùng bạn thuyền lên bờ tìm gặp ông Tiến nói lời cảm ơn vì đã trợ giúp cho chuyến vào cửa Sa Cần suôn sẻ. Anh Trưởng cho biết: “Ngư dân ở đây sợ nhất là khi ra vào cửa biển Sa Cần, luồng lạch nhỏ hẹp hết sức khó khăn. Nhờ có ông Tiến đi trước chỉ hướng mà tàu thuyền ra vào mới tránh được nạn”.
 
Biết ơn tấm lòng của ông Tiến, nhiều ngư dân quý mến thường mang đặc sản ngon của biển hay gửi chút tiền để ông Tiến mua vài gói trà, gói bánh ăn lấy thảo. Ông Tiến bộc bạch: Cái vui của việc dẫn thuyền vươn khơi là nhận được tình cảm quý mến của anh em làng chài. Mặc dù quen việc, nhưng mỗi chuyến dẫn lối cho tàu thuyền ra vào là mỗi thử thách. Như chuyến vào bờ của tàu anh Trưởng, mùa này nước cạn thủy triều rút rất nhanh, nên tôi phải tranh thủ hướng dẫn tàu thuyền tiến lùi cẩn thận, khi qua được cửa lạch tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.
 
Đang tiếp dở câu chuyện với phóng viên, một cuộc điện thoại đang gọi đến, ông Tiến pha trò, mình là người bình thường nhưng điện thoại reo liên tục. “Alo, tôi nghe đây. Giờ con nước thủy triều đang lên nếu anh em chuẩn bị xong rồi chúng ta xuất phát trước 11 giờ để kịp con nước lớn ra cửa lạch cho thuận lợi, tôi đang ở cửa biển chờ”, giọng ông Tiến sang sảng giữa sóng gió ầm ào nơi cửa biển.
 
Sau ngày giải phóng, người dân làng chài vùng biển Sa Cần hùn vốn đóng tàu thuyền ra khơi. Ngày ấy, tàu thuyền nhỏ, chứ không to như bây giờ, trong khi luồng lạch Sa Cần lúc đó lại nhỏ hẹp. Bởi vậy, không ít trường hợp các tàu thuyền khi trở về bến gặp nạn do bị mắc cạn, các ngư dân phải “bấm bụng” thả hàng tấn cá xuống biển để cứu tàu, sau đó vất vả kéo tàu ra khỏi bãi cạn. Từ đó, ông Tiến "nhận nhiệm vụ" dẫn lối cho tàu thuyền ra vào cửa lạch được thuận lợi. Cho đến hôm nay, gần cả cuộc đời gắn bó với biển, giờ tóc đã điểm bạc, nhưng hằng ngày người "anh cả" của vùng biển này vẫn vững tay chèo vượt bao con sóng đưa nhiều lượt tàu vươn khơi.
 
 MỸ DUYÊN
 
 
 

.