Dự án Tỉnh lộ 624: Chậm tiến độ vì hai công trình công cộng

09:09, 27/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (BQL), tuyến Tỉnh lộ (TL) 624 (Quảng Ngãi - Chợ Chùa) hiện còn nhiều vị trí vướng mặt bằng, song điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là vị trí giao cắt với đường sắt Bắc - Nam và đường dẫn Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Do vướng mắc mặt bằng, nên công tác thi công tại hai vị trí này phải ngừng lại, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công toàn tuyến. Các nhà thầu phải rút toàn bộ máy móc và nhân lực ra khỏi công trường từ nhiều tháng qua. 
 
Nút giao TL624 với đường dẫn Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang là điểm nghẽn trong công tác thi công tuyến đường.
Nút giao TL624 với đường dẫn Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang là điểm nghẽn trong công tác thi công tuyến đường.
Ghi nhận tại vị trí giao cắt với đường sắt Bắc - Nam, cả hai bên tuyến đường sắt đều cơ bản thi công hoàn thiện phần mặt đường, hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, đoạn giáp với đường sắt khoảng 50m vẫn còn nguyên vẹn. Hai bên đường sắt thuộc TL624, nền đường hư hỏng tạo thành những ổ voi, ổ gà gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
 
Tương tự là vị trí thi công giao cắt với đường dẫn Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ở đầu phía bắc, cầu Xóm Xiếc đã thi công hoàn thiện, nhưng không thể tổ chức thảm nhựa do tại khu vực giao cắt với đường dẫn cao tốc mặt bằng bị vướng. Vị trí trên tạo thành nút thắt cổ chai, nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Để an toàn, nhà thầu phải cắm cọc, giăng dây phản quang và biển cảnh báo.
 
Ông Khánh, một hộ dân xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) cho biết: Khi người dân đồng thuận chủ trương của Nhà nước, bàn giao mặt bằng xây dựng công trình giao thông phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng, thì hai công trình đường sắt và đường dẫn Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lại “chây ì” ra đó, khiến người dân bức xúc.
 
Theo kế hoạch, dự án nâng cấp mở rộng TL624 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Thế nhưng, với tình trạng vướng mặt bằng hiện nay, nguy cơ dự án chậm tiến độ là rất cao. Đặc biệt, năm tài chính 2020 chỉ còn chừng 4 tháng nữa sẽ kết thúc, nếu dự án không giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí, thì trung ương sẽ thu hồi vốn đầu tư.
 
Trước đó, để đảm bảo mặt bằng cho nhà thầu thi công, ngay sau khi triển khai dự án, BQL đã có các văn bản gửi Tổng Công ty đầu tư Phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc phối hợp trong quá trình thi công. Song, sau hàng loạt văn bản gửi đi, các cơ quan chủ quản của hai công trình trên vẫn chưa hồi âm.
 
Theo BQL, trước đây, khi Sở GTVT cấp phép cho VEC thi công gói thầu A5 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, VEC có cam kết: “Khi nâng cấp, mở rộng TL624, nếu có ảnh hưởng đến đường cao tốc thì VEC có trách nhiệm cải tạo, chỉnh sửa vị trí nút giao, nhưng không được tính bồi thường”. Thế nhưng, hai năm qua sau khi các văn bản gửi đi, VEC không hề phản hồi, dẫn đến nhiều tháng qua nút giao này trở thành điểm đen về tai nạn giao thông.
 
“Trong thời gian tới, nếu VEC không phối hợp giải quyết, BQL sẽ đề nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện cải tạo nút giao thông trên theo hồ sơ thiết kế được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, sẽ chủ động di dời hệ thống đèn tín hiệu và có biện pháp tổ chức phân luồng giao thông trên tuyến đường dẫn mà không chờ VEC có ý kiến nữa”, một lãnh đạo BQL khẳng định.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 
 

.