Cấp giấy phép khai thác thủy sản: Lỏng lẻo ở vùng lộng, vùng ven bờ

10:09, 19/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh có hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản (GPKTTS) trên biển ở vùng lộng và vùng ven bờ là 2.136 giấy phép, nhưng đến nay tỷ lệ cấp GPKTTS ở hai khu vực này đạt rất thấp.
Nhiều tàu không có giấy phép
 
Cách đây 6 năm, ngư dân T.T.Q, ở xã Bình Hải (Bình Sơn) mua một tàu cá tại Quảng Nam với giá 300 triệu đồng. Khi đưa về Bình Sơn, ngư dân T.T.Q tiếp tục đầu tư gần 1 tỷ đồng để lắp máy công suất 200CV, cùng nhiều ngư lưới cụ khác đi đánh bắt thủy sản vùng lộng. Tuy nhiên, khi về tỉnh làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá, thì Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, do vỏ tàu của chủ tàu T.T.Q chỉ phù hợp với máy 45CV, không thuộc diện phải lập hồ sơ thiết kế. Máy chính lên đến hàng trăm mã lực, vỏ và máy không tương xứng, nên không đủ điều kiện để đăng kiểm. Mặc dù vậy, nhiều năm qua, ngư dân T.T.Q vẫn đánh cược với sự an toàn của bản thân và các ngư dân trên tàu, lén lút cho tàu vươn khơi ở vùng lộng và cả vùng khơi. 
Hàng trăm chiếc tàu có chiều dài từ 6 - 12m trên địa bàn tỉnh đang hoạt động trong tình trạng không có giấy phép khai thác thủy sản.
Hàng trăm chiếc tàu có chiều dài từ 6 - 12m trên địa bàn tỉnh đang hoạt động trong tình trạng không có giấy phép khai thác thủy sản.
Không chỉ riêng ngư dân T.T.Q, mà đây là tình cảnh chung của hàng trăm tàu cá trên địa bàn tỉnh. Vì đã cải hoán, sửa chữa, nâng cấp, làm thay đổi thiết kế của tàu nên dù muốn, ngư dân cũng không đủ điều kiện để được cấp GPKTTS. Vươn khơi mà không có giấy tờ hợp lệ, ngư dân phải hoạt động “chui”, không được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, cũng không được mua bảo hiểm tàu cá, thiệt hại đủ đường.
 
Theo kiểm tra của Chi cục Thủy sản tỉnh, dù vùng lộng và vùng ven bờ trên địa bàn tỉnh có đến hơn 2.000 tàu cá đang hoạt động, nhưng tỷ lệ tàu cá được cấp GPKTTS rất thấp. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở TP.Quảng Ngãi, TX.Đức Phổ và huyện Bình Sơn.
 
Khó chấn chỉnh
 
“Từ năm 2008, Nhà nước có quy định không cho phát sinh mới tàu dưới 30CV, nhưng trên thực tế, do công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến số lượng tàu công suất nhỏ phát sinh từ 2008 đến nay lên đến hơn 300 tàu. Các tàu này, vì được đóng mới không đúng quy định, nên không thể cấp GPKTTS. Mặt khác, theo quy định, từ năm 2018 trở đi, không được cải hoán tàu lưới kéo, nhưng các chủ tàu làm nghề này vẫn không tuân thủ, dẫn đến phát sinh hơn 400 tàu cá làm nghề lưới kéo nằm trong danh sách không đủ điều kiện cấp GPKTTS”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười phân tích nguyên nhân khiến tỷ lệ cấp giấy phép cho tàu cá khai thác ở vùng lộng, vùng ven bờ đạt thấp.
 
Những vướng mắc nói trên khiến công tác chấn chỉnh, đảm bảo toàn bộ tàu cá khai thác thủy sản có chiều dài từ 6m trở lên phải có GPKTTS theo Luật Thủy sản 2017 trở nên nan giải. Bởi để tháo gỡ được vấn đề này, buộc phải cấp cho các tàu công suất nhỏ phát sinh mới, tàu lưới kéo tự ý cải hoán được hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm để được cấp GPKTTS. Tuy nhiên, việc cấm cải hoán tàu lưới kéo cũng như không phát sinh tàu công suất nhỏ đều được quy định cụ thể tại các thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Thiếu cơ sở xác định hạn ngạch GPKTTS
 
Luật Thủy sản 2017 quy định, căn cứ xác định hạn ngạch GPKTTS trên biển dựa vào kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản, xu hướng biến động nguồn lợi thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tối đa cho phép khai thác bền vững và cơ cấu nghề, đối tượng khai thác, vùng biển khai thác. Tuy nhiên, từ trước đến nay, tỉnh vẫn chưa điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng, nên thiếu cơ sở để xác định hạn ngạch GPKTTS trên vùng biển tỉnh quản lý. Để đảm bảo tiến độ triển khai cấp GPKTTS theo quy định, tỉnh mới chỉ xác định và công bố hạn ngạch GPKTTS dựa trên số lượng tàu cá hiện đang hoạt động tại vùng lộng và ven bờ.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 

.