Hiến kế cho sự phát triển bền vững

02:08, 04/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong giai đoạn 2015 - 2020 với sự bứt phá mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, Lý Sơn đang đề ra kế hoạch phát triển trong 5 năm tới. Nhiều cơ quan, ban, ngành của huyện đã có những đề xuất, kiến nghị để Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ Lý Sơn có những quyết sách đúng đắn về phát triển bền vững, gắn với an sinh xã hội.
Đầu tư nâng tầm du lịch
 
Những năm qua, Lý Sơn đã trở thành một điểm nghỉ dưỡng biển, đảo ấn tượng. Tuy nhiên, du lịch ở Lý Sơn vẫn còn những hạn chế và chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế về di sản địa chất, cảnh quan thiên nhiên, những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo mà nơi khác không có. Những rào cản đó là rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường; hạ tầng, sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực này còn thiếu tính chuyên nghiệp. Việc trùng tu, tôn tạo các di tích vẫn còn nhiều bất cập; thiếu các khu vui chơi giải trí để giữ chân du khách ở lại dài ngày hơn khi đến đảo... 
 
Tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào tháng 7.2020.                     Ảnh: TL
Tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào tháng 7.2020. Ảnh: TL
Do đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện trong thời gian đến, ngành văn hoá thông tin địa phương kiến nghị đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. 
 
Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ, nâng cao ý thức phục vụ trong kinh doanh của các dịch vụ, chấm dứt tình trạng đeo bám, chèo kéo khách. Phải xây dựng môi trường du lịch nhân văn, bền vững, bằng cách đẩy mạnh truyền thông, định hướng nâng cao nhận thức của cộng đồng, tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh, thân thiện với du khách; quy hoạch phát triển du lịch theo các mô hình phù hợp để thu hút đầu tư và phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa tài nguyên thiên nhiên và các công trình xây dựng, tạo ra nhiều dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.
 
Theo lãnh đạo ngành văn hóa thông tin Lý Sơn, huyện cần chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện quy hoạch và có lộ trình đầu tư xây dựng hạ tầng và các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách và giữ chân du khách dài ngày; đồng thời phải xúc tiến, quảng bá thương hiệu du lịch bằng cách, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch gắn với hình ảnh du lịch thân thiện...
 
Hiện nay, sản phẩm du lịch ở Lý Sơn còn nghèo nàn, chủ yếu là tham quan thắng cảnh thiên nhiên, chưa tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách. Trên cơ sở thế mạnh sẵn có từ tài nguyên du lịch của huyện đảo, Lý Sơn cần xây dựng một số sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách như: Du lịch gắn với chủ quyền quốc gia về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; du lịch tắm biển và lặn ngắm san hô, câu cá; du lịch địa chất...
 
Phát triển nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ tài nguyên nước
 
Hành, tỏi là hai cây trồng chủ lực và có giá trị kinh tế cao, góp phần không nhỏ vào đời sống kinh tế của một bộ phận nông dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm cung ứng ra thị trường chỉ ở dạng hàng thô, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; chưa hướng đến sản phẩm sạch, an toàn. Vì thế, giá trị sản phẩm không ổn định. Tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá vẫn xảy ra thường xuyên.  
 
Bên cạnh đó, thực trạng canh tác hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tác hại đến môi trường biển do khai thác cát, canh tác quá mức làm bào mòn chất dinh dưỡng trong lòng đất. Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, làm tăng chi phí đầu tư sản xuất, lợi nhuận đem lại cho nông dân chưa tương xứng.
 
Do vậy, để đảm bảo phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Lý Sơn kiến nghị cần phải thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nông dân thực thi các chính sách, pháp luật về nông sản sạch, nông sản hữu cơ, an toàn thực phẩm; thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên các mô hình, dự án sản xuất hành, tỏi theo hướng hữu cơ. Đồng thời, huyện cần tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các chính sách tín dụng, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm, từ đó nhân rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và hỗ trợ nông dân tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; xây dựng thương hiệu và phát triển chỉ dẫn địa lý để củng cố thương hiệu và lấy lại niềm tin của khách hàng; ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc để xác định thực phẩm sạch... 
Toàn cảnh Lý Sơn từ trên cao. Ảnh: Bùi Thanh Trung
Toàn cảnh Lý Sơn từ trên cao. Ảnh: Bùi Thanh Trung
Cùng với các giải pháp phát triển nông nghiệp sạch thì vấn đề quản lý, sử dụng và bảo vệ hiệu quả nguồn nước ngọt trên đảo là nhiệm vụ cấp bách. Hiện nay, nguồn nước ngọt ở Lý Sơn đang bị xâm nhập mặn trên diện rộng. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trên đảo trong thời gian tới là rất lớn.
 
Ngành tài nguyên và môi trường huyện kiến nghị trong thời gian đến cần quan tâm tuyên truyền việc khai thác, sử dụng tiết kiệm nguồn nước ngọt; tuyệt đối không khoan, đào giếng trái phép. Các trường học lồng ghép việc giáo dục ngoại khóa để học sinh hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc quản lý, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước ngọt trên đảo. Cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trên địa bàn phải có phương án sử dụng nguồn nước riêng, không sử dụng nguồn nước ngầm. Lý Sơn sớm xây dựng hệ thống hồ, đập chứa nước đã quy hoạch, tăng cường trồng cây xanh; định hướng nông dân giảm sản xuất hành; khuyến khích hộ gia đình tự xây dựng bể trữ nước mưa... Về lâu dài, Lý Sơn cần kiến nghị trung ương, tỉnh có chương trình, dự án về cung cấp nước ngọt cho huyện đảo theo hướng bền vững.
 
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc
 
Trong thời gian qua, lĩnh vực quốc phòng, quân sự trên địa bàn Lý Sơn được củng cố, tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, dự báo những năm tới tình hình thế giới, khu vực nhất là trên Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp; bên cạnh đó là biến đổi khí hậu toàn cầu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... Vấn đề an ninh tuyến biển, an ninh nông thôn còn nhiều yếu tố phức tạp sẽ tác động đến đời sống của nhân dân và lực lượng vũ trang.
 
Lý Sơn là địa bàn trọng yếu, chiến lược về quốc phòng - an ninh (QP - AN). Do đó, Ban CHQS huyện Lý Sơn kiến nghị trong thời gian tới cần quán triệt Kết luận 57 của Bộ Chính trị về "Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh"; Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"... Lý Sơn phải xác định rõ QP - AN là chủ thể để kết hợp, để đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư; khắc phục nhận thức, tư duy kinh tế đơn thuần dẫn tới thiếu quan tâm QP - AN.
 
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, mỗi dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với QP - AN phải đảm bảo các điều kiện, yêu cầu phát triển bền vững, tính lưỡng dụng; không phá vỡ thế trận phòng thủ; phải giữ được thắng cảnh thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa theo phương châm "Mỗi bước phát triển kinh tế là một bước củng cố tiềm lực QP - AN" và ngược lại.
 
Lý Sơn cần quan tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng trong khu vực phòng thủ và các cơ quan chức năng dự báo để đánh giá đúng tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, xử lý có hiệu quả các tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, nhất là tình hình trên Biển Đông và những tiềm ẩn cao về QP - AN trên địa bàn; cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và toàn dân về công tác quốc phòng - quân sự địa phương và nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ; thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, chính sách hậu phương quân đội, tạo sự đồng thuận cao, để góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
 
X.BẢO 
 

.