"Bà đỡ" cho nông dân

06:08, 18/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, các mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới dần hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò là “bà đỡ” cho nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. 
Tìm đầu ra cho nông sản
 
Nhận thấy vùng đất cát ven biển xã Đức Thắng (Mộ Đức) phù hợp với cây măng tây, HTX Rau củ quả an toàn Đức Thắng đã thực hiện liên kết với 15 thành viên tổ chức trồng cây măng tây trên diện tích 1,6ha. Để nông dân an tâm sản xuất, HTX đã làm đầu mối liên kết, ký hợp đồng thu mua với Công ty Linh Đan Miền Trung, với giá cố định 40.000 đồng/kg măng tây. Đến nay, doanh thu của HTX từ cây măng tây khoảng 250 triệu đồng/tháng (sản lượng bán được trên 6 tấn). Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi sào măng tây HTX thu lãi 6 triệu đồng/tháng. 
 
Ớt xiêm Sơn Hà được đóng gói để cung cấp cho Siêu thị Big C.          Ảnh: BÁ SƠN
Ớt xiêm Sơn Hà được đóng gói để cung cấp cho Siêu thị Big C. Ảnh: BÁ SƠN
 
Giám đốc HTX Rau củ quả an toàn Đức Thắng Trần Thị Huyền Trang cho biết: HTX đã mở rộng thêm gần 1ha măng tây trồng theo hướng hữu cơ, với 10 hộ tham gia. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng và liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho nhiều sản phẩm rau củ quả, hướng đến sản xuất mang tính bền vững theo chuỗi giá trị.
 
Tại HTX Nông nghiệp Phổ Văn (TX.Đức Phổ), liên kết trong sản xuất lúa giống được xem là hướng đi hiệu quả của HTX trong nhiều năm qua. HTX đã liên tục mở rộng diện tích sản xuất lúa giống, ký kết hợp đồng liên kết với nhiều đối tác. Năm 2019, HTX đã tổ chức sản xuất 95ha lúa giống, với tổng sản lượng 477 tấn, đem lại lợi nhuận cho các thành viên trên 480 triệu đồng và lợi nhuận cho tập thể hơn 100 triệu đồng.
 
Trong khi đó, HTX Nông nghiệp Hành Nhân (Nghĩa Hành) đã liên kết với Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín để sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, với quy mô 18ha; sản xuất lúa gạo hữu cơ trên diện tích 13,7ha; đồng thời bao tiêu sản phẩm cho HTX hơn 129 tấn lúa...
 
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Hành Nhân Nguyễn Văn Đóa, để đảm bảo quyền lợi của nông dân, vai trò của HTX rất quan trọng. HTX làm tốt dịch vụ như định hướng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và là tổ chức trung gian tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân. 
 
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành hiện có một số mô hình HTX nông nghiệp hoạt động theo kiểu mới như: HTX Nông nghiệp Hành Nhân, Hành Dũng. Các HTX này đã cung cấp các dịch vụ cho thành viên đạt hiệu quả như tín dụng nội bộ, thủy lợi nội đồng, máy gặt liên hợp, vật tư nông nghiệp, phân bón, liên kết sản xuất lúa giống...
 
Cùng với mạng lưới HTX nông nghiệp có truyền thống lâu đời ở các huyện đồng bằng, thì những năm gần đây, nhiều HTX tại các huyện miền núi đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Điển hình như các HTX ở huyện Sơn Hà đã liên kết giữa các hộ nông dân, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện như gà kiến, rau rừng, ớt xiêm, heo ky... vào hệ thống Siêu thị BigC, đưa đặc sản của huyện miền núi Sơn Hà đến tay người tiêu dùng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
 
Toàn tỉnh có 40 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với doanh nghiệp với quy mô 2.324ha, gồm 34 HTX liên kết về trồng trọt với quy mô 1.071ha, tổng khối lượng nông sản được tiêu thụ trên 12.500 tấn; 11 HTX liên kết sản xuất lâm nghiệp, quy mô 1.000ha; 3 HTX liên kết dịch vụ thuỷ sản, quy mô 2ha. Trong các sản phẩm nông nghiệp, lúa là cây trồng được thực hiện liên kết thông qua hình thức tổ chức nhiều nhất với 34 HTX tham gia, diện tích 941ha.
Cần trợ lực cho hợp tác xã
 
Bên cạnh những mặt tích cực, thì quá trình phát triển các HTX trên địa bàn tỉnh hiện gặp rất nhiều khó khăn. Việc xây dựng chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, bởi đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ; sản phẩm nông nghiệp có giá trị không cao; khả năng đầu tư phát triển sản xuất của người dân còn yếu.
 
Hơn nữa, không có nhiều doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Mặt khác, việc liên kết chỉ dừng ở khâu mua bán, chưa thật sự tạo niềm tin về chất lượng, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng... 
 
Nhờ có sự liên kết tiêu thụ, nông dân trồng măng tây ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) đã an tâm hơn trong sản xuất.      Ảnh: H.HOA
Nhờ có sự liên kết tiêu thụ, nông dân trồng măng tây ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) đã an tâm hơn trong sản xuất. Ảnh: H.HOA
 
Ngoài ra, tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX, nhưng chưa đủ để tạo động lực, khuyến khích phát triển HTX; công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX còn chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ giải quyết các thủ tục về đất đai; đặc biệt đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện để sản xuất liên vùng, liên thửa.
 
Mặt khác, cần tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, tạo điều kiện cho các HTX huy động nguồn lực phát triển, ký kết hợp đồng đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hành, trong thời gian đến, huyện tiếp tục rà soát, đánh giá lại chất lượng của HTX trên cơ sở tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí phân loại HTX. Qua đó xử lý triệt để các HTX yếu kém ngừng hoạt động; từng bước mở rộng sản xuất và tìm đầu ra tiêu thụ nông sản cho nông dân, phát triển các cơ sở chế biến và dịch vụ mới để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hoá, các tiến bộ KH&CN, chăm sóc cây trồng theo phương pháp hiện đại, tiết kiệm chi phí và an toàn hơn trong thu hoạch, bảo quản nông sản.
 
Hợp tác xã góp phần xây dựng nông thôn mới
 
Trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi HTX nông nghiệp như “cánh tay nối dài” của chính quyền trong việc quản lý, điều hành và thực hiện các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội. Sự góp sức của các HTX đã thực sự tác động và làm thay đổi nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM của các địa phương như tổ chức sản xuất, giao thông, thủy lợi nội đồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân, qua đó giúp các địa phương về đích NTM. Đơn cử như tại huyện Nghĩa Hành. Toàn huyện hiện có 17 HTX, trong đó có 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải; với hơn 8.000 thành viên. Doanh thu bình quân của mỗi HTX gần 700 triệu đồng/năm, lãi bình quân 60 triệu đồng/năm. Việc phát triển HTX nông nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.

 

HỒNG HOA - TRUNG ÂN
 
 
 

.