Giá heo giống tăng cao, người chăn nuôi tái đàn gặp khó

09:05, 31/05/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Dịch tả heo Châu Phi đã được khống chế, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tiến hành tái đàn. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay là việc mua heo giống để tái đàn không chỉ giá rất cao mà còn đang thiếu hụt so với nhu cầu khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn.
 
Dịch tả heo (lợn) Châu Phi trên địa bàn đến thời điểm này đã được khống chế. Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh đã khiến nguồn cung heo giống sụt giảm nghiêm trọng, đẩy giá heo giống lên cao ngất ngưởng.
 
Qua khảo sát, heo giống có trọng lượng từ 6-7kg hiện tại trên thị trường có giá dao động từ 1,5 triệu đồng- 2,5 triệu đồng/con (tùy loại), đắt gấp 2-3 lần so với trước đây. Nhiều người chăn nuôi heo thương phẩm khẳng định đây là mức giá con giống cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
 
Theo các hộ chăn nuôi, trên thực tế, giá heo giống bắt đầu tăng cao từ cuối năm 2019 cho đến nay. Nguyên nhân là do dịch tả heo Châu Phi đã gây thiệt hại lớn, khiến nguồn cung ứng con giống sụt giảm mạnh. Vì thế, khi hết dịch, nguồn sản xuất heo giống cũng trở nên khan hiếm. Những trang trại lớn, có nái hầu hết đều giữ lại con giống để nuôi thành heo thịt thương phẩm. Mặt khác, giá heo giống phụ thuộc vào giá thịt heo thương phẩm trên thị trường, giá heo thịt càng cao thì lợn giống càng đắt.
 
“Thời điểm khi giá thịt heo rẻ thì con giống mua dễ. Còn bây giờ giá heo hơi đắt nên tìm mua con giống không chỉ giá rất cao mà còn rất khó mua. Vì nhiều hộ chăn nuôi bị dịch bệnh đều phải tiêu hủy cả đàn, trong đó có cả heo giống bố mẹ, trong khi đó, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hay các trang trại lớn không bị ảnh hưởng dịch bệnh, còn heo nái giống thì khi sinh sản đến đâu họ nuôi đến đấy. Họ chỉ bán ra ngoài được một ít”, bà Võ Thị Ngọc Diệp – một hộ chăn nuôi ở huyện Tư Nghĩa cho hay. 
 
Theo các hộ chăn nuôi, giá heo giống đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua
Theo các hộ chăn nuôi, giá heo giống đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua
 
Sau thời gian dài "treo chuồng" vì dính dịch bệnh, khi thấy tình hình dịch tương đối ổn định ông Nguyễn Thế Truyền ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) rất muốn đầu tư mua khoảng 80 con heo giống về nuôi để tái đàn. Tuy nhiên, do nguồn con giống giá quá cao, để mua đủ con giống theo quy mô chuồng trại thì ông phải đầu tư hàng trăm triệu đồng. 
 
Điều này khiến ông lưỡng lự giữa tái đàn và không tái đàn lúc này, bởi ông ‘lo xa’ rằng, với giá con giống cao như hiện nay, khi xuất chuồng nếu giá heo hơi vẫn nằm ở mức cao như hiện nay thì còn có lãi, nếu giá heo xuống thấp thì ông cầm chắc lỗ.
 
“Giá con giống cao, trong khi để có thể xuất chuồng được thì chi phí sản xuất cũng rơi vào khoảng 6 - 7 triệu đồng/con,… Lúc này, giá heo hơi đang ở mức cao, nhưng vài tháng nữa không ai dự đoán được diễn biến giá cả, dịch bệnh như thế nào. Nếu đến khi xuất chuồng giá heo thịt lại xuống thì lỗ vốn, nên tôi phải tính toán rất kỹ”- ông Truyền nói. 
 
Nguồn cung ít, trong khi thiều thương lái từ các tỉnh khác đổ về Quảng Ngãi để mua con giống vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ khiến  không ít hộ chăn nuôi trong tỉnh khó khăn mua con giống
Nguồn cung ít, trong khi thiều thương lái từ các tỉnh khác đổ về Quảng Ngãi để mua con giống vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ khiến không ít hộ chăn nuôi trong tỉnh khó khăn mua con giống
 
Thực tế này khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mạnh dạn tái đàn, không ít hộ chỉ tái đàn ‘cầm chừng’ vừa thăm dò thị trường. Hơn nữa, không phải lúc nào người chăn nuôi cũng mua được heo giống tốt, bảo đảm chất lượng vì nguồn heo giống cũng không nhiều.
 
“Trước đây, nhà có 8 con heo nái đủ gầy dựng cho mỗi lứa nuôi, tự túc con giống vừa kiểm soát được dịch bệnh lại đỡ tốn chi phí đầu tư. Nhưng nay heo nái bị tiêu hủy, heo giống đắt gấp hai, gấp ba so với trước dịch nên gia đình chỉ mới đầu tư mua 30 heo giống về tái đàn (bằng 1/4 tổng đàn so với trước đây), sau này tùy theo tình hình thị trường rồi tình toán tiếp. Nếu đầu tư đàn heo như quy mô trước đây thì cần một số vốn tương đối lớn nên tôi phải tính toán sao cho hợp lý để phù hợp với khả năng hiện tại của gia đình”- bà Lê Thị Sáu- một hộ chăn nuôi ở TP. Quảng Ngãi chia sẻ. 
Tính từ ngày tiêu hủy ổ  dịch tả heo Châu Phi  cuối cùng đến ngày 27.4.2020, trên địa bàn tỉnh, các ổ dịch đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới và đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo hết dịch tả heo Châu Phi theo quy định. Đây là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được phép tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn trong thời gian đến.
 
Trước đó, dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại Quảng Ngãi từ ngày 28.5.2019 đến ngày 27.4.2020  tại 7.416 hộ, 422 thôn, 119 xã  thuộc địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy 36.780 con, gây thiệt hại hơn 73 tỷ đồng.

Để đảm bảo điều kiện tốt cho việc tái đàn, không để dịch bệnh tái phát trở lại trong thời gian tới, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi; tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho từng hộ chăn nuôi bị dịch biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch tả heo Châu Phi tái phát trở lại khi tái đàn.

Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các cơ sơ chăn nuôi lợn bị dịch bệnh trước khi tái đàn phải nâng cấp, sửa chữa hệ thống chuồng trại, tổng tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chăn nuôi để diệt mầm bệnh, đăng ký chăn nuôi lại với UBND cấp xã theo quy định. Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện dịch bệnh,… nhằm giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch trở lại, tăng hiệu quả chăn nuôi, góp phần bình ổn giá heo trên thị trường tỉnh.
 
PV- CTV

.