Khắc phục những hạn chế trong xây dựng nông thôn mới

10:12, 13/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2010 - 2019, diện mạo nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, quá trình xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế, cần tập trung tháo gỡ, tạo đột phá trong giai đoạn tiếp theo.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng NTM là đến năm 2020, phải có 50% trong tổng số 9.121 tổng số xã của cả nước đạt chuẩn NTM. Mục tiêu này đã đạt và vượt kế hoạch, khi đến hết tháng 9.2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí đạt 15,32 tiêu chí/xã và không còn xã dưới 5 tiêu chí...
 
Đối với Quảng Ngãi, dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ có 80 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM, đạt 100% kế hoạch. Một số tiêu chí có kết quả khả quan như: Tiêu chí thu nhập (82 xã); tiêu chí việc làm (144 xã); tiêu chí hộ nghèo (97 xã)... 
 
Quy hoạch vùng sản xuất chưa phù hợp với điều kiện thực tế là một trong những hạn chế trong xây dựng nông thôn mới.
Quy hoạch vùng sản xuất chưa phù hợp với điều kiện thực tế là một trong những hạn chế trong xây dựng nông thôn mới.
 
Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp (14,15 tiêu chí/xã) so với bình quân chung của cả nước (khoảng 15,26 tiêu chí/xã). Nguyên nhân, theo Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh là do trình độ, năng lực quản lý cán bộ cơ sở còn hạn chế, lại kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, nên lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
 
“Một số địa phương còn “khoán trắng” công tác điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí NTM cho đơn vị tư vấn, nên số liệu phản ánh chưa chính xác, đề án thiếu tính khả thi, chưa sát với thực tế”, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long đánh giá.
 
Bên cạnh đó, phương pháp triển khai thực hiện đề án của Ban Quản lý cấp xã còn lúng túng khi lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán các dự án thành phần, nhóm các dự án hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, mới xảy ra tình trạng tổng mức đầu tư của dự án bị “vênh” so với đề án đã được phê duyệt, nên phải mất thời gian điều chỉnh xử lý.
 
Ngoài ra, ngân sách đầu tư trực tiếp cho Chương trình chưa đáp ứng nhu cầu các địa phương (vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ trong 4 năm (2016 - 2019) chỉ đạt 59,7% tổng kế hoạch trung hạn). Chính quyền cơ sở thì bị động trong việc huy động nguồn lực. Ngân sách địa phương chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất, chứ chưa phát huy các nguồn lực trong cộng đồng dân cư. Điều này khiến việc kêu gọi, huy động thu hút nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân tham gia xây dựng NTM còn nhiều khó khăn...
 
Để khắc phục những tồn tại và hạn chế trên, thời gian đến, Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh sẽ nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ một số nội dung xây dựng NTM cho giai đoạn sau năm 2020. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM ở các địa phương...
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.