Tần số và thiết bị vô tuyến điện: Cần đăng ký và sử dụng hợp lý

02:08, 06/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sử dụng đúng tần số và thiết bị vô tuyến điện (VTĐ) không chỉ đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân, mà còn tránh gây can nhiễu cho các mạng VTĐ khác, góp phần vào sự phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển...
TIN LIÊN QUAN

Hơn 15 năm đánh bắt xa bờ ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, không ít lần tàu của ông Phùng Thoại, xã An Hải (Lý Sơn) đối mặt với sóng to, gió lớn, tàu hỏng máy hoặc bị tàu nước ngoài tấn công... Những lúc ấy, ông Thoại sẽ gọi cho Đài thông tin duyên hải ven bờ, phát tín hiệu cấp cứu trên làn sóng thiết bị VTĐ. Nhờ đó, những tàu cá của ngư dân hoạt động gần tàu bị nạn và các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biển sẽ nhận thông tin, kịp thời tổ chức cứu hộ cứu nạn, giúp tàu ông Thoại vượt qua nguy hiểm.
Để giúp ngư dân có điều kiện sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh tổ chức tuyên truyền và tặng máy liên lạc tầm xa cho ngư dân trong tỉnh.
Để giúp ngư dân có điều kiện sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh tổ chức tuyên truyền và tặng máy liên lạc tầm xa cho ngư dân trong tỉnh.
Trong khi đó, tàu của ông Đỗ Ngọc Ánh, xã Phổ Châu (Đức Phổ) cũng thoát hiểm kịp thời nhờ máy bộ đàm tầm xa. Cuối năm 2018, khi đang hành nghề trên biển thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu ông Ánh bị phá nước, hỏng máy, có nguy cơ bị chìm. Vừa tích cực bơm nước ra khỏi khoang máy, ông Ánh vừa phát tín hiệu cấp cứu qua làn sóng thiết bị VTĐ. Nhận tín hiệu, Sở Chỉ huy Vùng 3 Hải quân tổ chức cứu hộ cứu nạn kịp thời, lai dắt tàu và 5 ngư dân vào bờ an toàn. Sau khi thoát nạn, ông Ánh quyết định đầu tư thêm thiết bị giám sát hành trình, vừa đảm bảo an toàn, vừa định vị được khu vực đánh bắt.

Thực tế, ứng dụng công nghệ tần số và thiết bị VTĐ giúp đảm bảo thông tin liên lạc, giảm thiểu tối đa rủi ro trên biển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngư dân chưa đăng ký, gia hạn hoặc sử dụng tần số và thiết bị VTĐ không đúng quy định, mục đích... Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn, trước đây, đơn vị phối hợp với Trung tâm Quản lý tần số khu vực 3 Đà Nẵng hỗ trợ ngư dân thực hiện việc đăng ký, sử dụng tần số và thiết bị VTĐ. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, một số ngư dân không đăng ký gia hạn, mà sử dụng tần số và thiết bị VTĐ “chui”, dẫn đến việc can nhiễu tần số, ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thông tin.

Chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ NN&PTNT yêu cầu các chủ tàu phải đăng ký xin cấp giấy sử dụng tần số VTĐ khi lắp đặt trang thiết bị phát sóng VTĐ sử dụng băng tần HF liên lạc tầm xa (phổ biến các loại máy ICOM); đồng thời, thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng thiết bị phát sóng VTĐ liên lạc. Trong trường hợp khẩn cấp, ngoài việc sử dụng kênh 9 (kênh dành riêng phục vụ an toàn cứu nạn), ngư dân có thể phát tín hiệu cấp cứu trên bất cứ kênh nào trong bảng phân kênh tần số, để tàu gần nhất có thể đến trợ giúp trong thời gian chờ tàu cứu hộ, cứu nạn.

Bài, ảnh: MỸ HOA


 

.