Lúng túng lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá

09:07, 17/07/2019
.
(Baoquangngai.vn) - Theo Luật  Thủy sản, từ ngày 1.7.2019, tất cả các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản các tỉnh. Đến nay, Quảng Ngãi chưa có tàu cá nào được gắn thiết bị này.
Ngư dân băn khoăn
 
Thông tin về lắp đặt thiết bị hành trình cho tàu cá kèm theo mức xử phạt vi phạm hành chính đã được Chi cục Thủy sản tỉnh in sẵn, tuyên truyền đến chủ tàu, ngư dân. Hầu hết chủ tàu cá tự nguyện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo quy định. 
 
“Lắp đặt thiết bị này có lợi lắm chứ, tàu mình lỡ có chuyện gì thì báo về cơ quan chức năng sẽ cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Hơn nữa, quản lý được các tàu khai thác trái phép” - chủ tàu Võ Duy Tiến, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn).
 
Dẫu biết cái lợi lâu dài khi lắp thiết bị giám sát hành trình là thế, nhưng ông Tiến và hàng nghìn chủ tàu khác vẫn chưa lắp cho tàu cá của mình vì còn băn khoăn về giá cả lẫn chất lượng của thiết bị.
 
Ông Tiến cho biết, sản lượng đánh bắt hầu hết các tàu trong năm nay đều giảm. Do đó, bỏ ra số tiền gần 30 triệu đồng để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cộng với số tiền phải trả cho nhà mạng hằng tháng làm gia tăng gánh nặng cho ngư dân. 
 
 
Ngư dân vẫn chưa biết các thiết bị nào chất lượng, uy tín để lắp đặt cho tàu cá.
 
“Đây không phải là số tiền nhỏ nên ngư dân rất mong có chính sách hỗ trợ phần nào. Chưa hết, khi vươn khơi, thiết bị bị hư hỏng thì trong vòng 10 ngày tàu phải quay về để sửa chữa. Tôi thấy cái này quá bất cập. Như thế, tàu phải chịu lỗ tổn hàng trăm triệu đồng, đã khó càng khó hơn cho ngư dân” - ông Tiến lo lắng.
 
Cùng với giá cả thì lo lắng nhất của ngư dân Đỗ Thành, hàng xóm của ông Tiến là chất lượng của thiết bị, nhất là thời gian qua, hàng loạt tàu của ngư dân ở các tỉnh khác mới chỉ lắp đặt trong thời gian ngắn đã liên tục bị hư hỏng. Ngư dân rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
 
Ông Thành cho hay, chiếc tàu 420CV của ông phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định mới. Tuy nhiên, ông băn khoăn chưa biết chọn thiết bị nào bảo đảm chất lượng. Nhiều lần hỏi chính quyền địa phương nhưng cùng một câu trả lời là phải chờ hướng dẫn.
 
Cơ quan chức năng lúng túng
 
Theo lộ trình quy định tại Nghị định 26 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 25.4.2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1.7.2019.
 
Tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước ngày 1.1.2020; tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước ngày 1.4.2020. Tàu cá phải bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản các tỉnh.
 
 
Quảng Ngãi có hơn 3.300 táu cá chưa được lắp đặt thiết bị này.
 
Quy định tại Nghị định 42 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 5.7.2019, mức phạt áp dụng với tàu cá vi phạm từ 300 đến 700 triệu đồng.
 
Quảng Ngãi hiện có 5.600 tàu cá, trong đó có hơn 3.300 tàu bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình khi đánh bắt khơi xa, tuy nhiên, đến nay,100% tàu đều chưa gắn thiết bị theo quy định.
 
“Luật xử phạt đã có hiệu lực thi hành, nhưng hiện nay chúng tôi cũng lúng túng vì Tổng cục Thủy sản chưa công bố danh sách các sản phẩm, thiết bị giám sát hành trình đủ điều kiện, đủ chuẩn” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ông Lê Văn Sơn cho biết.
 
Sau khi Tổng cục Thủy sản công bố, chi cục sẽ hướng dẫn và bà con sẽ lựa chọn loại phù hợp để lắp đặt cho tàu của mình. Chi cục sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản gia hạn thời gian lắp đặt và sớm công bố thiết bị đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện để bà con yên tâm lựa chọn.
 
Lý giải về quy định, thiết bị bị hư hỏng thì trong thời gian 10 ngày, tàu phải quy về bờ để sửa chữa, ông Sơn cho rằng, quy định này là hợp lý trong khâu quản lý nhà nước. Vì khi tàu xuất bến vươn khơi, cơ quan quản lý phải biết tàu đi đâu, làm gì, tránh trường hợp gian lận. 
 
Việc hỗ trợ, bồi thường thiệt hại phí tốn của chủ tàu trong trường hợp này đơn vị cung cấp thiết bị phải chịu trách nhiệm, nên ràng buộc trong hợp đồng giữa chủ tàu và nhà cung cấp thiết bị. 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU

.