Ông"Đoàn rừng"

01:02, 10/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người dân thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) thường gọi ông với cái tên thân thiện: Ông “Đoàn rừng”. Bởi đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Nguyễn Văn Đoàn vẫn mải mê trồng rừng.

TIN LIÊN QUAN

Biến “bãi mìn” thành rừng cây

Chứng kiến màu xanh bạt ngàn phủ trên đồi Đá Hang như bây giờ, không ai nghĩ nơi đây từng là... bãi mìn. Thấy quả đồi đầy lau lách không một ai dám rớ vào, do bên dưới còn đầy bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, ông Đoàn lên xã nộp đơn xin cấp đất, để cải tạo sản xuất.

Nhận được cái gật đầu của xã, ông nhanh chóng lên kế hoạch... rà phá bom mìn. Cứ đến mùa nắng, ông lại mồi lửa đốt cháy lau sậy, rồi thuê thợ rà sắt rà đi rà lại cho sạch hết mìn, để có “đất sạch”.

 Ông Đoàn với rừng keo của mình trồng tại đồi Đá Hang. Ảnh: NK
Ông Đoàn với rừng keo của mình trồng tại đồi Đá Hang. Ảnh: NK


Biết ông Đoàn là người đam mê và có kinh nghiệm trồng rừng, Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa đã tạo điều kiện cho ông đi tham quan các mô hình trồng rừng hiệu quả, đồng thời hỗ trợ ông trồng 5ha rừng ở đồi Đá Hang bằng giống keo lai mô.

Ông Đoàn, kể: Khi vừa trồng xong thì bị nắng kéo dài làm keo héo lá, cán bộ khuyến nông khuyên ông gánh nước tưới, nhưng sức già không làm nổi, ông đành phó thác cho trời. May thay, hơn 10 ngày sau trời đổ mưa, thế là keo không chết. Đến năm 2013, lại có trận bão lớn đi qua làm rừng keo mới 1 năm tuổi của ông ngã đổ sát đất. Thế mà sau đó keo vẫn tự vươn lên phát triển bình thường. Trong khi trồng các loại giống keo hạt hay keo giâm hom mà ngã đổ như vậy thì chỉ có nước... phá sản.

Đất không phụ công người. Năm đầu tiên ông trồng keo xen mì, thu được hơn 60 tấn mì, đủ trả tiền công thuê trồng và chăm sóc rừng. Về kỹ thuật chăm sóc thì cũng giống như trồng các loại keo khác, nhưng giống keo lai mô có ưu thế đặc biệt là chống chịu được gió bão, ít đổ ngã và lớn nhanh gấp đôi keo thường. Nhờ vậy, sau 5 năm thực hiện mô hình này đã mang lại cho ông nguồn thu nhập hơn 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi hơn nửa tỷ.

Trồng rừng từ thời bao cấp

Trước đây, khi Quảng Ngãi chưa có công trình thủy lợi Thạch Nham, đồng ruộng của xã Nghĩa Thuận chỉ hưởng nước trời, làm lúa rất bấp bênh. Trong khi đó, đất trống, đồi núi trọc còn rất nhiều mà chẳng ai đoái hoài. Riêng ông Đoàn, do nằm lòng câu nói của người xưa “nhất biển, nhì rừng”, nên ngay từ thời bao cấp đã quyết tâm theo nghiệp trồng rừng.

Ngôi nhà bề thế của ông Đoàn được xây dựng nhờ có nguồn thu nhập từ kinh tế rừng.                         Ảnh: NK
Ngôi nhà bề thế của ông Đoàn được xây dựng nhờ có nguồn thu nhập từ kinh tế rừng. Ảnh: NK


Đến thời kỳ đổi mới, nhất là kể từ năm 1996 trở đi, Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích người dân trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông Đoàn đã tiên phong xin nhận đất của xã cấp để trồng rừng. Không những thế, khi thấy người dân địa phương có đất rừng mà bỏ trống, ông liền thương lượng mua lại, rồi mua giống trồng cây, dựng trại để giữ đất, giữ rừng cho đến nay.

Nhờ biết quý trọng đất rừng, nên đến nay ông Đoàn đã sở hữu gần 20ha đất lâm nghiệp. Luân phiên trồng rừng trong chừng ấy diện tích, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà ông còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương. Thu nhập khấm khá giúp ông lo cho con cái được đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang và mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình.

Đón Xuân này, ông Đoàn bước sang tuổi 83, nhưng niềm đam mê trồng rừng của ông thì vẫn như thuở trai tráng. Hiếm có một lão nông nào đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mà vẫn còn trèo đồi, băng rừng không biết mệt mỏi. Gần trọn cuộc đời gắn bó với nghề trồng rừng, rừng cũng đã cho ông cuộc sống ấm no, hạnh phúc và cho ông cả nguồn sức khỏe dồi dào, được cộng đồng thương yêu từ những việc nghĩa mà ông đã làm cho họ.

Năm 2018, cả xã Nghĩa Thuận tập trung huy động nguồn lực xây dựng đường giao thông nông thôn, để sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, đến tuyến đường đất cuối cùng tại thôn Mỹ Thạnh Nam, địa phương và người dân chỉ bê tông xi măng được 320m, còn hơn 450m phải dừng, vì không đủ tiền. Thấy vậy, ông Đoàn đã tự nguyện bỏ ra gần 40 triệu đồng để thuê xe ủi san lấp mặt bằng và thuê xe đổ đất, cát cùng với nguồn hỗ trợ cát, xi măng của Nhà nước để làm tiếp gần nửa cây số còn lại.

Sự góp sức kịp thời của ông Đoàn đã làm cho tuyến đường  được thông suốt, đem lại niềm vui cho dân làng và góp phần đưa xã Nghĩa Thuận kịp về đích xã nông thôn mới  trong năm 2018 như kế hoạch. Và mới đây, khi hay tin thôn Mỹ An 3 còn có 13 hộ dân chưa có hệ thống điện thắp sáng ổn định, ông Đoàn đã lặn lội đứng ra vận động và đề nghị Công ty Điện lực Quảng Ngãi xây dựng đường dây, kéo điện cho các hộ dân, để Tết này người dân nơi đây không còn sống trong cảnh thiếu điện thắp sáng như trước nữa.


NGUYỄN KHÂM

 


.