Nét độc đáo ở chợ heo Hàng Rượu

06:02, 06/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hình thành khoảng hơn 30 năm, chợ heo Hàng Rượu, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), là một trong những điểm tập kết buôn bán heo lớn nhất khu vực miền Trung. Cái nghề nhọc nhằn, nhưng có người đã gắn bó gần cả cuộc đời và xem đó là cái nghiệp khó thể nào buông bỏ.

“Cây đa, cây đề” ở... chợ heo

Hơn 30 năm gắn bó đời mình với nghề buôn bán heo ở chợ Hàng Rượu, không những ông Đỗ Ngọc Minh (tổ dân phố Trường Thọ Tây, phường Trương Quang Trọng) mà rất nhiều người lớn tuổi như ông Phạm Văn Gió, Đỗ Kim Thái... trở thành “cây đa, cây đề” ở chợ Hàng Rượu.

Ông Đỗ Ngọc Minh bảo, tôi gắn bó với chợ từ những ngày đầu hình thành. Những ngày đầu, heo được bày bán chung với các mặt hàng khác, song vì bẩn, nên buôn bán heo bắt buộc phải tách ra một khu vực riêng và chợ heo Hàng Rượu cũng được “khai sinh” từ đó.

 Chợ heo Hàng Rượu luôn sôi động hàng chục năm qua.                 ẢNH: L.ĐỨC
Chợ heo Hàng Rượu luôn sôi động hàng chục năm qua. ẢNH: L.ĐỨC


“Buôn có bạn, bán có phường”, bởi vậy mà hàng trăm thành viên của chợ vẫn chung vai sát cánh cùng nhau qua hàng chục năm. Như một quy luật bất thành văn, chợ heo Hàng Rượu chỉ mở phiên vào các ngày thứ 2, 4, 6 và chủ nhật trong tuần. Những ngày diễn ra phiên chợ, trung bình có khoảng 200 người, bao gồm cả những người bốc vác thuê.

Số heo được nhập về ở mỗi phiên dao động khoảng 500 heo xác, 1.000 heo con. Heo sau khi được tập kết về chợ Hàng Rượu, qua các khâu trung gian sẽ được chuyển đi bán trong tỉnh và khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Từ tháng 2 đến tháng 8, heo thường được chuyển ra các tỉnh phía bắc, để bán sang Trung Quốc, các tháng còn lại được chuyển vào các tỉnh phía nam.

Giữa tiếng ồn ào của phiên chợ, “lão làng” Đỗ Ngọc Minh nắm chặt hai chân con heo vừa mới được lái buôn chuyển vào chợ. Thoáng nhìn để “bắt mạch” con vật, ông bảo với mọi người, heo này mua vào được, chất lượng ổn.

Nhiều năm kinh nghiệm với nghề, ông chia sẻ rằng, chỉ cần nhìn qua là đoán được heo có nguồn gốc ở đâu, chất lượng thế nào. Heo về chợ Hàng Rượu ngoài bắt buộc phải qua các bước kiểm dịch của lực lượng chức năng, còn phải vượt qua một “cửa ải” cũng không kém phần nghiêm ngặt, đó là kinh nghiệm “bắt mạch” heo của thương lái chúng tôi.

Chính vì giữ chữ tín trong kinh doanh, heo ở chợ Hàng Rượu được chuyển đi khắp các tỉnh, thành, được người tiêu dùng đón nhận trong hàng chục năm qua, là minh chứng rõ nhất giải thích vì sao trải qua bao thăng trầm của kinh tế thị trường, chợ heo Hàng Rượu vẫn được duy trì, lớn mạnh như ngày hôm nay.

Nghề bồng... heo

Ngoài những “lão làng” là linh hồn của chợ Hàng Rượu, ngôi chợ này cũng có hàng chục người làm một công việc khá đặc biệt, đó là nghề bồng heo. Uớc tính có khoảng 30 người làm công việc này, đàn ông, phụ nữ đều có cả. Đằng sau sự vất vả của họ là con cái được ăn học thành tài, yên bề gia thất.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ban, nay đã ngoài 70 tuổi, gắn bó với nghề bồng heo đã hơn chục năm nay cho biết: Bồng heo con được 500 đồng/con, còn heo xác thì tính theo giỏ, mỗi giỏ chuyển lên xe được trả 25.000 đồng, chia ra cho nhiều người khiêng vác. Đến phiên, mà không ra chợ là bụng cồn cào không chịu được, vì không ra là mất mối làm ăn.

Những con heo quá lớn thì phải dựa sức vóc của đàn ông.                                     ẢNH: L.ĐỨC
Những con heo quá lớn thì phải dựa sức vóc của đàn ông. ẢNH: L.ĐỨC


Ngoài chuyện kinh tế, nghề bồng heo đã trở thành thói quen, tuần nào cũng phải nghe cho được cái tiếng heo kêu éc éc thì cái tai mới thấy vui. Cũng bởi thế, ông Ban và nhiều “đồng nghiệp” ở đây hay truyền tai nhau câu cửa miệng rằng “về nhà được nghe tiếng vợ, ra chợ để được nghe tiếng heo”.

Mỗi người, mỗi thân phận đến và gắn bó với chợ Hàng Rượu theo mỗi cách khác nhau, song người đi trước dìu dắt người đi sau. Đồng tiền sẽ dễ kiếm hơn với những ai luôn giữ chữ tín ở chợ Hàng Rượu. Giữ chữ tín để được cộng đồng chợ hỗ trợ, bao dung, đồng thời cũng là một nét văn hóa kinh doanh ở ngôi chợ độc đáo này.

Ngọc Viên


.