Gìn giữ giống heo bản địa Quảng Ngãi

03:02, 07/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, heo Kiềng Sắt được xem là giống heo bản địa duy nhất của Quảng Ngãi. Hơn 5 năm qua, giống heo này được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở KH&CN) lưu giữ, nhân giống và chuyển giao cho người dân.

Heo Kiềng Sắt rất dễ nhận dạng như lông đen tuyền toàn thân từ khi đẻ ra cho đến lúc trưởng thành, da đen và mỏng, mặt thẳng, mõm khá dài và hơi nhọn, tai nhỏ vểnh thẳng lên trên, lưng thẳng, bụng thon.

Đưa từ rừng về nhà

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong thời gian dài, heo Kiềng Sắt chủ yếu sống ở những nơi có địa hình dốc thoải, với độ cao trung bình 100 - 1.700m, tập trung nhiều ở các huyện miền núi của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Ca Dong vẫn xem heo Kiềng Sắt là vật nuôi chính, dùng trong các lễ cúng vào dịp lễ, Tết. Thế nhưng, có thời điểm, tìm được giống heo Kiềng Sắt thuần là điều rất khó khăn.

 Heo Kiềng Sắt thích hợp với mô hình chăn nuôi theo trang trại.                        ẢNH: PV
Heo Kiềng Sắt thích hợp với mô hình chăn nuôi theo trang trại. ẢNH: PV

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Bùi Ngọc Trúc cho biết: Bảo tồn giống heo Kiềng Sắt là rất quan trọng, bởi nó liên quan đến bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ít người trong tỉnh và cũng là để gìn giữ một giống heo quý, với nhiều ưu điểm như: Thích nghi cao, chống chịu bệnh tốt, thịt ngon... Tuy nhiên, trong thời gian dài, việc du nhập các giống heo ngoại có năng suất cao và giống lai tạo là nguyên nhân chính làm cho giống heo bản địa Kiềng Sắt có nguy cơ mất hẳn nguồn gen.

“Kiềng Sắt” là tên gọi do người Hrê đặt cho giống heo bản địa duy nhất của Quảng Ngãi. Giống heo này được nuôi chủ yếu ở 3 cộng đồng dân tộc Hrê, Cor và Ca Dong. Ngày trước, việc làm thịt heo chỉ được thực hiện vào những dịp cúng, lễ. Mỗi lần như vậy, người dân thường chọn miếng thịt ngon và đem cúng Giàng (trời) trước tiên, rồi sau đó mới đem vào bếp để chế biến và ăn. Cho nên nhiều người còn gọi Kiềng Sắt là heo “cúng Giàng” là vậy.
Từ năm 2013, Trung tâm bắt đầu gìn giữ và nhân rộng giống heo Kiềng Sắt. Thế nhưng, khi đó, giống heo Kiềng Sắt còn rất ít, lại phân bố rải rác ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Do vậy, việc tìm kiếm, tuyển chọn rất khó khăn. Suốt hơn 2 năm liền, cán bộ kỹ thuật phải lặn lội khắp 6 huyện miền núi trong tỉnh mới tìm được 40 con heo Kiềng Sắt giống về nuôi.

Nơi gìn giữ giống heo quý

Hiện nay, Trại Nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp Hành Thuận (thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ) đang nuôi dưỡng gần 45 con heo cái và 5 con heo đực giống. Nhờ đó, mỗi năm, Trại cung cấp cho thị trường gần 200 con heo Kiềng Sắt thương phẩm và hơn 250 con heo giống cho người dân có nhu cầu nuôi.

Theo anh Nguyễn Vĩnh Linh, người phụ trách chăm sóc heo giống Kiềng Sắt tại Trại thực nghiệm, thì trong quá trình nuôi, anh phải theo dõi, ghi chép tỉ mỉ sự phát triển, sinh sản của số heo Kiềng Sắt đã tìm được để từ đó loại thải, tuyển chọn những con thuần chủng. Loài heo này vẫn giữ đặc tính hoang dã, nên thích hợp với việc nuôi theo mô hình trang trại.
 
Thời gian nuôi của heo Kiềng Sắt từ khi nhỏ đến lúc xuất chuồng từ 10 - 12 tháng. Trọng lượng heo Kiềng Sắt trưởng thành đạt khoảng 30kg/con. Dù tăng trưởng chậm, nhưng bù lại, thịt heo Kiềng Sắt thơm ngon, thịt chắc, ít béo, vì thế người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Thời gian qua, Sở KH&CN đã tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ heo giống cho đồng bào dân tộc ít người ở các huyện miền núi trong tỉnh để nuôi, cùng với đó là mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi heo Kiềng Sắt. Nhờ đó, giống heo quý này ngày càng được nhân rộng và trở thành “vật nuôi thoát nghèo” của người dân miền núi.


ĐÌNH NGUYÊN
 


.