Đón làn gió mới từ CPTPP

07:02, 05/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiệp định CPTPP có sự tham gia của Nhật Bản và 10 nước thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3.2018. Hiệp định này tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có thị trường gồm 500 triệu dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.

CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực. Hiệp định này cũng từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Chính phủ Nhật Bản coi hiệp định thương mại này là bước quan trọng nhằm mở rộng các quy định tự do và công bằng ra khắp thế giới, trong khi Chính phủ Mỹ không tham gia hiệp định này.

Theo “luật chơi” trong CPTPP, các nước thành viên cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là giày da, thủy sản, gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ...

Tham gia CPTPP, dự báo sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Ngoài ra, cơ hội lớn nhất từ CPTPP là thúc đẩy cải cách thể chế, minh bạch hóa thị trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển “kinh tế sạch” thân thiện môi trường...

Gia nhập CPTPP sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ.                                        ẢNH: PV
Gia nhập CPTPP sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ. ẢNH: PV


Bên cạnh những cái lợi từ CPTPP, thì thách thức đặt ra đối với nước ta, nhất là đối với các doanh nghiệp trong nước cũng khá nhiều. Đó là áp lực nguồn thu ngân sách sụt giảm khi rất nhiều dòng thuế về bằng không. Tiếp nữa là gia tăng cạnh tranh “mạnh được yếu thua”, nếu hàng Việt không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quy định, không có chiến lược xúc tiến thương mại tốt thì có thể sẽ thua cả trên sân nhà. Khó khăn nhất là cải cách thể chế, vì phải sửa đổi hàng loạt bộ luật và văn bản dưới luật cho phù hợp với khuôn khổ CPTPP.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế qua 12 năm gia nhập WTO cho thấy rằng, hội nhập quốc tế sâu rộng vẫn lợi hơn và những thách thức đều có cách tháo gỡ. Ngay như việc cắt giảm thuế, khi gia nhập WTO, ta cũng cam kết cắt giảm khoảng 3.800 dòng thuế từ năm 2007 đến 2019, nhưng số thu từ xuất nhập khẩu vẫn liên tục tăng; cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 đạt gần 245 tỷ USD, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2006.

Ngoài ra, sau hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký khoảng 300 tỷ USD, trong đó nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon... đã chọn Việt Nam làm “bến đỗ” đầu tư. Đồng thời, nước ta đã ký hàng chục FTA đa phương và song phương, mở ra không gian  phát triển mạnh mẽ mối quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.

Gia nhập CPTPP như là một tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt, đây chính là cơ hội rất lớn để thu hút thêm vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, nếu thực thi tốt các giải pháp, cam kết cải thiện môi trường đầu tư. Do đó, chúng ta hãy tự tin, nhanh chóng nhập cuộc và đón “làn gió mới” từ CPTPP. Để làm được điều ấy cần có quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và tăng cường công tác truyền thông hơn nữa.


PHẠM DANH



 


.