Chuyển sang nông nghiệp 4.0

06:02, 06/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là “bệ đỡ” của nền kinh tế, nông nghiệp được trông đợi sẽ mang lại giá trị thương mại cao. Và để tạo bước chuyển về chất, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đang chuyển đổi sang nền nông nghiệp 4.0...

TIN LIÊN QUAN

Đến năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 15 nghìn tỷ đồng, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 500 nghìn tấn; tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 234 nghìn tấn. Toàn tỉnh xây dựng 103 cánh đồng lớn sản xuất lúa và mía, với diện tích trên 2.000ha; dồn điền đổi thửa trên 2.100ha; chuyển đổi trên 770ha trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn; có trên 125ha sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP...

Từ cách sản xuất cũ...

Tuy đạt kết quả ấn tượng nhất trong 10 năm qua, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp (bình quân đạt 4,5%/năm) vẫn nhờ mở rộng diện tích, nên kém bền vững. Vì thế, dù sản lượng nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng, nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm không cao. Nguyên nhân là do lĩnh vực nông nghiệp chưa hấp dẫn nhà đầu tư, nguồn vốn đầu tư chưa tương xứng, nông dân chưa chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất...

Thực tế, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2017, tổng nguồn vốn bố trí 781 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 18% so với nhu cầu. Trong khi đó, ngành nông nghiệp đóng góp 14 - 17% GRDP toàn tỉnh.

 

 Quảng bá, giới thiệu nông sản là một trong những giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.                                                                                                                        Ảnh: M.Hoa
Quảng bá, giới thiệu nông sản là một trong những giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Ảnh: M.Hoa


Đầu tư của doanh nghiệp (DN) vào lĩnh vực nông nghiệp tuy khởi sắc, với 54 dự án đầu tư, giai đoạn 2015 – 2018. Trong đó, có 12 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký 2 nghìn tỷ đồng...

Tuy nhiên, so với các lĩnh vực kinh tế khác, thì sự tham gia của DN trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn thấp; việc khai thác, sử dụng đất còn lãng phí. Nhiều dự án chiếm đất trồng rừng khá lớn, nhưng hiệu quả sử dụng thấp; trong khi DN lại không có quỹ đất sạch để sản xuất quy mô lớn.

Nhận rõ những bất cập nêu trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng: “Bên cạnh nguồn vốn thì diện tích đất sản xuất của ngành nông nghiệp cần phải được “quy về một mối”, tạo điều kiện thu hút DN đầu tư, áp dụng các công nghệ thâm canh và nuôi trồng hiện đại. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội”.

... sang kinh tế “nông nghiệp 4.0”

Điểm nghẽn lớn nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay là chi phí cao, nhưng chất lượng thấp. Vì vậy, đã đến lúc phải thay đổi tư duy “sản xuất lương thực” sang “nông nghiệp làm giàu”, với trọng tâm là giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp cần phải tìm lời giải cho các vấn đề, gồm: Đầu ra của sản phẩm; thu hút nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao vào lĩnh vực nông nghiệp; mối liên kết “4 nhà”...

Trong khi chờ đợi ngành nông nghiệp tìm giải pháp, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết với DN từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như nông dân Ngô Hữu Chánh, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành), với doanh thu hơn 500 triệu đồng mỗi năm, từ phát triển kinh tế trang trại. Kết quả trên là minh chứng sinh động cho việc ông Chánh chịu khó học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chủ động “liên kết nhóm”.

 Trồng măng tây hiện đang mang lại giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Vườm ươm măng tây giống tại xã Đức Chánh (Mộ Đức).                                    ẢNH: BẢO HÒA
Trồng măng tây hiện đang mang lại giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Vườm ươm măng tây giống tại xã Đức Chánh (Mộ Đức). ẢNH: BẢO HÒA


Ông Chánh chia sẻ: Hơn chục năm trước, ông không biết công nghệ thông tin là gì, cũng chẳng quan tâm đến chuyện thành lập nhóm hay liên kết với DN. Vì vậy, năng suất cây trồng, vật nuôi thì phó mặc cho may rủi; giá bán sản phẩm bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái... “Sau nhiều lần rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, tôi nhận thấy, muốn làm ăn có hiệu quả, trước hết phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, sau đó là liên kết với DN để đảm bảo đầu ra”, ông Chánh cho hay.

Thực tế, liên kết với DN, hoặc sản xuất theo nhóm không chỉ ổn định khâu tiêu thụ, mà còn giúp nông dân nắm bắt và chia sẻ kịp thời thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như giá cả, nhu cầu thị trường, để xác định hướng sản xuất phù hợp... Chính vì vậy, ngày càng có nhiều hộ nông dân đạt doanh thu mỗi năm từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng.  

Mặc dù vậy, để sản xuất nông nghiệp hội nhập tốt với cuộc cách mạng 4.0, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp cần quan tâm, tạo điều kiện để thương mại hóa công nghệ; hỗ trợ nông dân, DN, HTX tiếp nhận công nghệ, quảng bá sản phẩm; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thông qua việc hình thành các trang trại ở những vùng được chỉ định và có khả năng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, khuyến khích hoạt động nông nghiệp theo hợp đồng, khắc phục tình trạng nông hộ nhỏ không tiếp cận được đầu vào và dịch vụ nông nghiệp, góp phần “chính thức hóa” mối liên hệ giữa nông hộ nhỏ với ngành chế biến thực phẩm...

“Ngành nông nghiệp sẽ tích cực xây dựng và chuyển giao công nghệ, các mô hình sản xuất mới, hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng để người dân có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung. Đồng thời, thu hút các nguồn lực, đặc biệt là DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi, nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm”, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho biết.

Duy trì tăng trưởng nông nghiệp 4%/năm


Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi sẽ tập thay đổi phương thức quản lý, giúp nông dân kiểm soát và giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Mục tiêu đến năm 2020, ngành sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 4%/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 45%; độ che phủ rừng đạt 52%; giữ ổn định sản lượng hải sản khai thác ở mức 206 nghìn tấn; thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người/năm; có 98 xã và 6 huyện đạt các tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới...

 

HOA TRẦN


.