Xây dựng nông thôn mới: Nguồn vốn đầu tư chưa tương xứng

09:12, 25/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2018, huyện Tư Nghĩa và nhiều xã trên địa bàn tỉnh nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới (NTM), tiếp tục gặp  khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

TIN LIÊN QUAN

Chỉ tiêu nhiều, nhưng vốn nhỏ giọt

Nhu cầu nguồn vốn để xây dựng NTM ở các địa phương trong tỉnh là rất lớn, nhưng theo quy định chung, mỗi xã chỉ được cấp 20 tỷ đồng trở lại để thực hiện đầu tư. Vì vậy, để về đích NTM, các địa phương phải xoay xở từ nhiều nguồn, nên cũng rất lo phát sinh nợ đọng trong xây dựng NTM.

 

Cuối năm 2018 xã Nghĩa Thắng sẽ về đích NTM, nhưng đến nay nhiều tuyến đường trên địa bàn xã vẫn chưa được bê tông.
Cuối năm 2018 xã Nghĩa Thắng sẽ về đích NTM, nhưng đến nay nhiều tuyến đường trên địa bàn xã vẫn chưa được bê tông.


Xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), một trong 5 xã cuối cùng của huyện Tư Nghĩa phải về đích NTM trong năm 2018. Theo chỉ tiêu đăng ký, để hoàn thành công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, số tiền mà địa phương này cần khoảng 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2018, nguồn vốn trung ương và tỉnh chỉ cấp cho xã gần 20 tỷ đồng.
 

“Huyện thực hiện từng bước, không chạy theo chỉ tiêu, nhưng vẫn phải đảm bảo theo kế hoạch của tỉnh. Mục tiêu xây dựng NTM của huyện là phải tăng thu nhập cho người dân. Đối với 3 xã dự kiến về đích NTM vào năm 2020 (Đức Phong, Đức Minh và Đức Lân), nhưng năm 2020 sẽ diễn ra nhiều sự kiện lớn, nên địa phương kiến nghị tỉnh bố trí vốn cho 3 xã này đầu tư dần trong năm 2019 và tiếp tục đầu tư trong năm 2020, nhằm giảm bớt áp lực cho các địa phương”.


Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức TRẦN VĂN MẪN

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Võ Sinh Quân cho biết: Dù mức đăng ký nhu cầu vốn lớn, nhưng tỉnh cắt và chỉ bố trí đủ số tiền theo quy định là 20 tỷ đồng. Để thực hiện đầu tư, xã phải vận động nhân dân đóng góp, cũng như kiến nghị huyện bố trí vốn. Đến nay, về cơ bản xã đạt tiêu chuẩn xã NTM, nhưng thiếu bền vững. Đơn cử như tổng chỉ tiêu thì đạt 100%, nhưng đối với đường giao thông, thủy lợi thì mới đạt khoảng 70%.

“Đến nay, trên địa bàn xã còn nhiều tuyến đường chưa được đầu tư. Tổng chiều dài đường giao thông là 40km và thủy lợi là 35km. Năm 2019, xã tiếp tục kiến nghị tỉnh bố trí 2.500 tấn xi măng để đầu tư hạ tầng giao thông và thủy lợi.

Bất cập hiện nay là, UBND tỉnh phân bổ định mức đầu tư xây dựng NTM theo cách tính bình quân chung, nhưng với một số xã trước đây chưa được đầu tư gì, thì với khoản kinh phí 20 tỷ là không đủ. Do đó, khi phân khai kinh phí, UBND tỉnh cần khảo sát, kiểm tra từng địa phương cụ thể”, ông Quân nói.

“Dù áp lực xây dựng NTM là rất lớn, nhưng địa phương cũng tính toán chặt chẽ, không để phát sinh nợ lớn trong xây dựng NTM. Đến nay, tỉnh vẫn còn nợ huyện hơn 6 tỷ đồng phần khối lượng đã quyết toán.

Ngoài tập trung đầu tư xây dựng NTM, huyện còn phải tập trung đầu tư một số dự án khác mà người dân bức xúc, nên rất khó khăn về nguồn  vốn. Đối với hệ thống trường học, huyện cũng phải cân đối để đầu tư, nhất là nhà vệ sinh”, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho biết.

Sẽ không bền vững nếu thiếu vốn

Các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nằm trong kế hoạch về đích NTM vào năm 2020 cũng đang "khát vốn",  do nguồn lực đầu tư bị khống chế, trong khi lâu nay các địa phương này chưa được bố trí vốn để đầu tư, nên gần như trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương phải đầu tư mới hoàn toàn.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn cho biết: Mục tiêu huyện đặt ra là đến 2020 sẽ đưa Mộ Đức về đích NTM. Đến nay, huyện đã có 6/12 xã về đích NTM. Đối với 6 xã còn lại, theo kế hoạch, năm 2019 sẽ có 3 xã (Đức Thắng, Đức Lợi và Đức Chánh) về đích NTM. Cả 3 xã này về cơ bản đạt chuẩn NTM, nhưng 3 tiêu chí về đường giao thông, thủy lợi và nhà văn hóa vẫn rất khó khăn, vì nguồn vốn đầu tư lớn, nhưng xã vẫn chưa tìm ra nguồn.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


.