Vốn hỗ trợ giảm nghèo: Cần được phát huy hiệu quả

10:11, 13/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, từ nguốn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững, UBND tỉnh đã phân bổ cho các địa phương hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ người dân sản xuất và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công tác này, nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc sử dụng nguồn vốn này.

TIN LIÊN QUAN


Những năm qua, từ nguốn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững, UBND tỉnh đã phân bổ cho các địa phương hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ người dân sản xuất và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công tác này, nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc sử dụng nguồn vốn.

Người dân cần hỗ trợ đầu ra sản phẩm

Mô hình nuôi cá lồng bè ở hồ chứa nước Nước Trong được huyện Tây Trà triển khai cho các nhóm hộ thực hiện. Vụ cá đầu tiên thực hiện khá thành công; nhưng những vụ sau thì người nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

 

 Sản phẩm gà Re ở huyện Ba Tơ hút người tiêu dùng, nhưng đến nay người dân vẫn chưa thể mở rộng quy mô nuôi.
Sản phẩm gà Re ở huyện Ba Tơ hút người tiêu dùng, nhưng đến nay người dân vẫn chưa thể mở rộng quy mô nuôi.

Ông Phạm Văn Hoa, một hộ dân được hỗ trợ vốn để nuôi cá cho biết: Lứa cá vừa rồi ông thả nuôi với số lượng gần 2.000 con  (cá rô phi, chép, trắm cỏ...), nhưng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. “Cá đạt trọng lượng từ 1kg trở lên ăn rất mạnh, nhưng không bán sỉ được, mỗi ngày chỉ vớt vài chục cân để đi bán dạo. Để bán với số lượng nhiều và giảm chi phí thức ăn, tôi tìm đến các nhà hàng ở TP.Quảng Ngãi, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) để bán với số lượng lớn. Do tự tìm nơi tiêu thụ nên phải mất gần 2 tháng mới bán hết số cá nuôi”, ông Hoa nói.

Hiện nay, đa phần sản phẩm người dân làm ra đều được bán cho thương lái với giá rẻ, thậm chí một số sản phẩm bí đầu ra địa phương phải kêu gọi người dân "giải cứu". Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết: Sản phẩm người dân làm ra chủ yếu do thương lái thu mua, chứ không có doanh nghiệp, hay cơ sở nào đứng ra thực hiện thu mua giúp dân. Đối với mô hình nuôi heo thảo dược ở xã Ba Động, dù có HTX đứng ra bao tiêu nhưng cũng chỉ mang đi bán lẻ ở các chợ trên địa bàn huyện và ở các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức.

“Người dân mong muốn có đầu ra ổn định thì mới mạnh dạn đầu tư nuôi với số lượng lớn; còn với phương thức tiêu thụ như hiện nay, thì mở rộng quy mô nuôi sẽ không bền vững. Nguồn vốn hỗ trợ cho người dân sản xuất lớn, nhưng đầu ra sản phẩm không ổn định, thì công tác giảm nghèo sẽ không hiệu quả”, ông Nam nói.

 "Cách thực hiện của huyện Sơn Hà trong công tác phát triển và tiêu thụ nông sản cho người dân là rất đáng ghi nhận. Huyện đã tạo được nhiều mô hình từ cây trồng, con vật nuôi rất hiệu quả và làm tốt công tác kết nối thị trường tiêu thụ. Điều này cho thấy huyện Sơn Hà sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ sản xuất. Tuy nhiên, việc mở rộng, nhân rộng các mô hình đang phát huy hiệu quả còn hạn chế. Huyện Sơn Hà cũng như các địa phương khác phải liên kết tạo chuỗi sản xuất thì mới phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư và công tác giảm nghèo".


Phó Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM TRƯỜNG THỌ


Chưa mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất

Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho rằng, việc hỗ trợ vốn, cây, con giống, kỹ thuật để người dân phát triển sản phẩm huyện thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đầu ra sản phẩm cho người dân.

“Với cây quế, nhờ có thương hiệu, nên việc tiêu thụ cũng tương đối; còn một số sản phẩm gia súc, gia cầm, cây ăn quả... thì luôn trong tình trạng bí đầu ra, nên không thể đầu tư mở rộng sản xuất. Huyện rất muốn có vùng chuyên canh, tạo ra vùng sản phẩm lớn để người dân thoát nghèo, nhưng không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đầu ra bấp bênh, nên chưa dám làm. Đây cũng là nút thắt mà các sở, ngành và UBND tỉnh cần nghiên cứu”, ông Sương nói.

Đối với huyện Ba Tơ, ngoài chủ động liên hệ với các đơn vị như Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, BigC Đà Nẵng... để tìm đầu ra cho một số sản phẩm, huyện còn tiến hành hoàn thiện thủ tục đăng ký đối với 6 nhãn hiệu để bảo hộ sản phẩm cho người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết: “Điều quan trọng nhất hiện nay là các sản phẩm phải có nhãn hiệu thì mới có cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường ổn định. Một tín hiệu đáng mừng là, Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi đồng ý tiêu thụ hàng hóa cho người dân nếu như sản phẩm có nhãn hiệu được chứng nhận, trong đó có thịt trâu Ba Tơ”, ông Nam chia sẻ.

Cần nhân rộng từ điểm sáng Sơn Hà

Trong khi nhiều địa phương gặp trở ngại về đầu ra cho nông sản, thì tại huyện miền núi Sơn Hà, nhiều sản phẩm có nơi tiêu thụ ổn định. Thậm chí một số sản phẩm từ thiên nhiên đã hiện diện trên các kệ ở siêu thị, không chỉ ở Quảng Ngãi mà còn vươn ra thị trường các tỉnh, thành phố khác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: “Để có thành quả như hôm nay, việc triển khai thực hiện thời gian đầu rất vất vả. Tập quán của người dân là có đâu bán đấy, tiền tươi thóc thật nên tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào chuỗi liên kết không hề dễ dàng. Chúng tôi phải làm thí điểm ở một vài cá nhân và khi có hiệu quả thì các nhóm hộ khác mới tham gia. Ngoài ra, huyện phải tìm đến các siêu thị, chuỗi cửa hàng để chào hàng và may mắn Siêu thị Big C đã tiếp nhận sản phẩm của Sơn Hà để tiêu thụ”.

Mô hình nuôi cá tầm (Sơn Tây) được hỗ trợ từ ngân sách, song đầu ra hết sức khó khăn.
Mô hình nuôi cá tầm (Sơn Tây) được hỗ trợ từ ngân sách, song đầu ra hết sức khó khăn.


Đến nay, đã có 7 sản phẩm nông sản của huyện Sơn Hà lên kệ ở các siêu thị và tới cuối năm 2018 sẽ có thêm hai sản phẩm khác là khổ qua và khoai lang Nhật. Không chỉ Siêu thị Big C, mà sau thành công bước đầu, nhiều đơn vị khác cũng đã liên hệ với huyện Sơn Hà để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho biết: Mỗi năm, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo phân bổ khoảng 300 tỷ đồng, riêng hợp phần hỗ trợ sản xuất trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ ít, phân tán và đầu ra của sản phẩm bấp bênh, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Các huyện miền núi phải tạo ra một sản phẩm chủ lực vận dụng từ thực tế, như Trà Bồng, Tây Trà là cây quế, Sơn Tây là cây cau...  và tạo ra vùng nguyên liệu lớn thì mới phát triển bền vững được. Miền núi có lợi thế về cây ăn quả, do đó phải phát huy lợi thế đó để biến miền núi trở thành các vùng chuyên canh cây nguyên liệu, cây ăn quả lớn của tỉnh.                    


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC





 


.