Nghị định 17: Một số quy định chưa phù hợp thực tế

02:11, 08/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu của Nghị định 17 là khắc phục những tồn tại của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, nhằm hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại của các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, sau 7 tháng thực hiện, Nghị định 17 bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí một số chính sách không phù hợp với thực tế.

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện Nghị định 67, Quảng Ngãi được trung ương phân bổ 189 chỉ tiêu đóng mới tàu công suất lớn. Tuy nhiên, chỉ có 64 chiếc “tàu 67”, còn lại 125 chiếc sẽ thực hiện theo Nghị định 17. Dù vậy đến thời điểm này, 8 chiếc tàu được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư theo Nghị định 17 vẫn chưa được ngư dân triển khai.  

Ngư dân gặp khó

Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 17, hứa hẹn sẽ giúp ngư dân thuận lợi và trách nhiệm hơn trong quá trình thực hiện. Thế nhưng, khi triển khai đã phát sinh khá nhiều bất cập. Nếu như Nghị định 67, ngư dân chỉ cần 5% vốn đối ứng trong tổng giá trị đầu tư, thì với Nghị định 17, ngư dân phải bỏ ra 100% kinh phí đóng mới tàu cá, Nhà nước chỉ thực hiện việc hỗ trợ 1 lần, với mức 35% tổng giá trị đầu tư, nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu sau khi chiếc tàu hoàn thành, đưa vào sử dụng.

 

 Không hỗ trợ cho tàu vỏ gỗ là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân chưa mặn mà với Nghị định 17.
Không hỗ trợ cho tàu vỏ gỗ là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân chưa mặn mà với Nghị định 17.

 

Vướng mắc phát sinh là, chi phí đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite công suất 800CV phải trên 10 tỷ đồng, nên ngư dân rất khó xoay xở đủ vốn. Hơn nữa, khi vay vốn, ngân hàng yêu cầu ngư dân phải đảm bảo tài sản thế chấp ở mức tối thiểu 30% tổng số tiền vay. Nghĩa là, giá trị đầu tư chiếc tàu 10 tỷ đồng, ngư dân phải có tài sản thế chấp từ 3 tỷ đồng trở lên. Điều này càng làm khó ngư dân.

Ngoài ra, việc ngư dân chưa mặn mà với Nghị định 17 là vì chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng cho tàu vỏ thép và vỏ composite, trong khi đại đa số ngư dân vẫn muốn đóng tàu vỏ gỗ. Hơn nữa, dù tàu vỏ composite được đánh giá là hiệu quả, nhưng toàn tỉnh hiện chỉ có 1 chiếc đang hoạt động. Riêng 11 chiếc tàu vỏ thép, phần lớn hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có 3 chiếc phải nằm bờ. “So với Nghị định 67, những quy định của Nghị định 17 chưa phù hợp với thực tế, chưa đáp ứng kỳ vọng của ngư dân”, ngư dân Phạm Tấn Vân, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), bộc bạch.

Tháo gỡ nút thắt

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Văn Sơn, cho biết: Ngư dân rất muốn tham gia Nghị định 17 để đóng tàu công suất lớn, yên tâm vươn khơi. Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu về nguồn vốn, vật liệu đóng tàu, ngư dân còn lo lắng về việc thực thi chính sách. Chính vì vậy, song song với việc kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp; các ngân hàng thương mại cần nghiên cứu, linh hoạt, tạo điều kiện giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 17 đến với ngư dân; đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân trong quá trình thực hiện các thủ tục, hồ sơ, cũng như việc tiếp cận các cơ chế khác.  

Trong khi chờ đợi sự vào cuộc của các ngành chức năng, ngư dân có thể “hiện thực hóa Nghị định 17” bằng cách liên kết thành lập “đôi bạn tàu” hoặc tổ, nhóm hợp tác để góp vốn, giảm áp lực chi phí đầu tư đóng mới tàu cá.

Hai ngư dân bị nợ 5,5 tỷ đồng tiền hỗ trợ


Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 ngư dân Dương Văn Rin và Đinh Tấn Lợi được thụ hưởng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá. Tuy nhiên, gần 1 năm qua, 2 ngư dân trên vẫn chưa nhận được 5,5 tỷ đồng tiền hỗ trợ. Việc chậm chi trả tiền hỗ trợ là lý do chính khiến ngư dân trong tỉnh ngại tham gia đóng mới tàu theo Nghị định 17. Vì vậy, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm chi trả tiền hỗ trợ cho 2 ngư dân trên, tạo điều kiện để ngư dân trên địa bàn tỉnh yên tâm, mạnh dạn đăng ký tham gia đóng tàu theo Nghị định 17.

 


Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.