Khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm

08:11, 14/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau một thời gian dài lao đao, nghề trồng dâu nuôi tằm của người dân thôn Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) đã hồi sinh trở lại. Chính quyền địa phương đã tìm ra hướng đi mang tính bền vững cho nghề truyền thống này, nên người dân lại gắn bó với cây dâu - con tằm.

TIN LIÊN QUAN

Người dân phấn khởi

Gần 20 năm trồng dâu, nuôi tằm, nhưng chưa bao giờ bà Lê Thị Thuyền, ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp lại vui mừng, phấn khởi như năm nay. Bà Thuyền cho biết: “Chỉ có năm nay giá kén mới đạt đỉnh là 200 nghìn đồng/kg, đầu ra ổn định. Chúng tôi chỉ việc làm xong xuôi hết là tiểu thương đến mua và vận chuyển vào Bình Định bán”. Cũng theo bà Thuyền, chính vì năm nay được mùa, được giá, lại có đầu ra ổn định, nên các hộ đều đầu tư mở rộng quy mô trồng dâu và nuôi tằm.

 

Năm nay, giá kén tăng cao, nên bà Lê Thị Thuyền, thôn Phú An, xã Đức Hiệp rất phấn khởi.
Năm nay, giá kén tăng cao, nên bà Lê Thị Thuyền, thôn Phú An, xã Đức Hiệp rất phấn khởi.


Trưởng Chi hội Nông dân thôn An Phú Lê Thành Long cho biết: “Để sản xuất hiệu quả và khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm, tất cả các hộ trồng dâu, nuôi tằm trong thôn đều trồng lại giống dâu mới. Giống này lá to, sinh trưởng tốt và cho năng suất rất cao. Bên cạnh đó, hộ nuôi còn tuân thủ theo kế hoạch của xã và đã thống nhất dồn điền đổi thửa, mở rộng diện tích để vực dậy nghề”.

Theo người dân thôn Phú An, điều đáng mừng là, đầu ra của sản phẩm kén đã có nơi tiêu thụ ổn định. Trước đó, chính quyền xã đã trích nguồn kinh phí của địa phương để người dân tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm với một nhà ươm tư nhân ở huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Nhà ươm này kết hợp với nhiều công ty khác, cam kết bao tiêu sản phẩm của bà con.

Đồng hành cùng hộ nuôi

Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như cho biết: Năm 2017, diện tích dâu toàn xã chỉ còn 2ha, vì nghề nuôi tằm không hiệu quả, đầu ra không có, nên rất nhiều hộ dân bỏ nghề. Tuy nhiên, đây là nghề truyền thống nên địa phương quyết tâm khôi phục. Việc đầu tiên là tổ chức cho người dân học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác.

Tiếp đến là tìm nguồn giống mới, thay thế toàn bộ những đồi dâu lâu năm, không mang lại hiệu quả. Cuối cùng là tìm đầu ra và ký cam kết với các nơi tiêu thụ sản phẩm cho người dân. "Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích dâu của xã đã lên đến 20ha, đều được trồng tập trung", ông Như cho biết.

Còn ông Lê Thành Long thì cho hay: “Những năm trước, số hộ trồng dâu nuôi tằm chỉ có gần 20 hộ, nhưng nay có hơn 40 hộ tham gia. Đây là một trong những tín hiệu vui đối với việc khôi phục lại nghề sản xuất truyền thống ở địa phương, được xã đăng ký đưa vào đề án mỗi xã một sản phẩm”.


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


 


.