Thêm cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

02:10, 26/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực từ 1.1.2018, loại hình doanh nghiệp (DN) này đã có nhiều ưu đãi về thuế, mặt bằng, nhất là về tín dụng, giúp các DN có đủ nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhiều ưu đãi

Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho kế hoạch sản xuất cuối năm và trong năm 2019, hiện có nhiều DNNVV đang có nhu cầu về vốn. Nắm bắt nhu cầu này, các ngân hàng thương mại đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn vay, đưa ra nhiều gói sản phẩm, chương trình tín dụng ưu đãi để khách hàng lựa chọn.

Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Quang Trung – Chi nhánh Vietcombank Dung Quất.
Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Quang Trung – Chi nhánh Vietcombank Dung Quất.


Theo đó, BIDV đã đưa ra gói hỗ trợ DNNVV cho vay trung, dài hạn, có quy mô 10.000 tỷ đồng; gói tín dụng ưu đãi vay ngắn hạn quy mô 15.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp và DN siêu nhỏ có quy mô 4.000 tỷ đồng...

Tương tự, Vietinbank cũng đã triển khai chương trình “Hợp tác vươn xa” dành cho DN nhỏ với lãi suất chỉ từ 5,0%/năm đối với khoản vay có thời hạn tối đa 1 tháng; 6,0%/năm đối với khách hàng mới, với thời gian ưu đãi ngắn hạn tối đa 3 tháng. Riêng cho vay trung, dài hạn chỉ 8,0%/năm, thời gian ưu đãi lãi suất tối đa 12 tháng, kể từ ngày giải ngân cho khách hàng.

Bên cạnh đó, để mở rộng đối tượng cho vay, tìm kiếm khách hàng mới, các ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra các gói vay cực kỳ ưu đãi. Đơn cử như Agribank đang triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, với lãi vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm. Sacombank triển khai gói cho vay ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho DNNVV, lãi suất chỉ từ 6 - 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn...
 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tổng nguồn vốn huy động đạt 46.500 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2017. Nhìn chung, nguồn vốn huy động tại chỗ đảm bảo cho các tổ chức tín dụng cân đối cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho DN, người dân, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong đó, tập trung cân đối nguồn vốn để cho vay, phục vụ nhu cầu dự trữ hàng hóa vào thời điểm cuối năm.

Giám đốc Công ty CP Thương mại Bắc Sông Trà Trần Trọng Bình cho biết: So với trước đây, việc tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh của DN tại các ngân hàng ngày một thông thoáng hơn. Thay vì DN phải đi “gõ cửa” ngân hàng, thì giờ đây ngân hàng đã đến tận DN để tư vấn cho vay. Chỉ cần DN đáp ứng đủ điều kiện về phương án kinh doanh khả thi, cũng như khả năng triển khai dự án là ngân hàng sẽ giải quyết cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, lãi suất phù hợp.

Dư nợ cho vay tăng

Khoảng hai năm gần đây, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, như áp dụng các giải pháp giảm lãi suất cho vay, khuyến khích tăng trưởng tín dụng vào nhóm ngành ưu tiên... Điều này đã giúp DN hưởng lợi nhờ nguồn vốn rẻ, cũng như tăng khả năng tiếp cận vốn tốt hơn.

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, hiện doanh số và dư nợ cho vay nhóm khách hàng DNNVV của ngành ngân hàng có xu hướng tăng qua các năm, trong đó nhiều ngân hàng cổ phần có quy mô vừa và nhỏ đã cho DNNVV vay xấp xỉ 70% dư nợ.

Giám đốc Vietcombank Dung Quất Võ Văn Linh cho biết: “Chiến lược của Vietcombank là trở thành ngân hàng bán lẻ, ngân hàng của mọi khách hàng. Vì vậy, Vietcombank Dung Quất luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cũng như tư vấn giải pháp tài chính, đơn giản hóa quy trình... giúp DNNVV, nhất là DN đến đầu tư tại KKT Dung Quất có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh chóng và hiệu quả”.

Lũy kế đến cuối năm 2018, tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ước đạt 43.000 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cuối năm 2017. Riêng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên 27.465 tỷ đồng, chiếm gần 64% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay DNNVV đạt 7.900 tỷ đồng, chiếm gần 29% tổng dư nợ, tăng hơn 5% so cuối năm 2017.


Bài, ảnh: HỒNG HOA



 


.