Sơn Tây: Đưa cây cau vào cây trồng chủ lực

08:10, 31/10/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Huyện miền núi Sơn Tây từ lâu được mệnh danh là “xứ ngàn cau”. Ba năm qua, cau là cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân. Mới đây, huyện Sơn Tây đã đưa cây cau vào cây trồng chủ lực của huyện và xây dựng dự án hình thành vùng chuyên canh cây cau.

TIN LIÊN QUAN

Xây dựng vùng chuyên canh cau

Cau cây trồng truyền thống của xứ sở này vốn chỉ dùng để ăn trầu, làm đẹp cảnh quan. Chục năm trở lại đây, cau trở thành cây hàng hóa giúp người dân có thêm thu nhập. Đặc biệt 3 năm qua, khi cau quả trên thị trường tăng cao đã thực sự góp phần cải thiện cuộc sống của người dân.

Tuy cau đang được giá nhưng câu chuyện xung quanh loại cây trồng này cũng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Bởi lẽ, thị trường tiêu thụ cau phụ thuộc vào Trung Quốc mà phần lớn bằng con đường tiểu ngạch. Chính vì thế, giá cau không ổn định, lên xuống thất thường nên chính quyền không khuyến khích bà con trồng nhiều để hạn chế rủi ro.
 

Đưa cây cau vào cây trồng chủ lực là cần thiết để tạo ra vùng chuyên canh có sản lượng hàng hóa lớn. Ảnh: TL.

 

Mới đây, huyện Sơn Tây đã đưa cây cau vào cây trồng chủ lực của huyện và đang xây dựng dự án để hỗ trợ các chính sách hỗ trợ đầu tư, tìm kiếm phát triển thị trường, hướng đến mục tiêu đưa Sơn Tây trở thành nơi chuyên canh cây cau. Đây là bước hoạch định lâu dài của huyện để tạo vùng chuyên canh có sản lượng hàng hóa lớn. Từ đây, xây dựng mối liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây, ông Phạm Hồng Khuyến cho biết: Huyện đang lập dự án “Vùng chuyên canh cây cau”. Dự án được triển khai sẽ nâng cao thu thập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế nạn xâm lấn, khai thác rừng trái phép, bảo vệ và giữ vững được vốn rừng hiện có và tạo cảnh quan đẹp cho nông thôn miền núi.

Theo đó, giai đoạn 2019 - 2023, dự án tiến hành trồng mới 830ha cau (bình quân hàng năm trồng mới khoảng 166ha. Đến năm 2025, hình thành vùng chuyên canh cây cau tập trung khoảng 2.000ha trên địa bàn 9 xã.

 

Những năm qua, cau mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân.


Dự án được thực hiện tạo điều kiện cho khoảng 1.000 - 2.000 hộ dân tham gia được tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Người dân được hỗ trợ cây giống và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng.

Tiến đến xác lập thương hiệu

Trước đây, mỗi năm thu được 50 - 60 triệu đồng, trong 3 năm gần đây, thu hơn 300 triệu đồng/năm nhờ gần 3ha cau, gia đình ông Đinh Văn Hanh, ở thôn Ka Năng, xã Sơn Tinh hiện là một trong những gia đình khá giả nhất tại địa phương.

Ông Hanh nêu một thực tế, keo là giống cây 5 năm cho thu hoạch một lần. Giá tùy thời điểm trừ chi phí đầu tư, thu hoạch chỉ còn 20 - 30 triệu đồng/ha/năm. Cây cau, tuy có lúc giá lên xuống thất thường, nhưng giá 10.000 đồng/kg trở lên là người dân đã có thu nhập cao. Giá trị kinh tế của cây cau cao gấp 5 - 10 lần cây keo.

Không chỉ gia đình ông Hanh mà rất nhiều nông dân khác trên địa bàn huyện thoát nghèo nhờ cây cau. Từ đó, họ kỳ vọng có kênh tiêu thụ vững chắc cho sản phẩm, quả cau Sơn Tây sẽ vươn ra thị trường lớn hơn bằng con đường chính ngạch.  

 

Liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho cây cau.



Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, ông Phan Huỳnh Sơn, cau là cây trồng truyền thống của đồng bào Ca Dong nên việc trồng và chăm sóc không khó như các loại cây trồng mới.

Cây cau không kén đất, ít bị sâu bệnh, đầu tư một lần cho thu hoạch trong thời gian dài từ 15 - 20 năm lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây keo. Vì thế, cây cau được người dân chuộng hơn các loại cây trồng khác.

Hiện nay diện tích trồng cau trên địa bàn huyện Sơn Tây khoảng 500 a. Năng suất cau tươi chỉ đáp ứng khoảng 25% cho nhu cầu của các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện nói riêng.

Do đó, việc xây dựng vùng chuyên canh cây lên 2.000ha với sự tham gia của doanh nghiệp trong vai trò cung cấp giống, vật tư để phát triển vùng nguyên liệu, tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân là cần thiết.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây, ông Phạm Hồng Khuyến cho biết: Huyện đã kêu gọi được một doanh nghiệp lớn tại Quảng Ngãi liên kết sản xuất và tiêu thụ cau Sơn Tây. Doanh nghiệp sẽ đầu tư cơ sở sơ chế biến và nhà kho tại huyện, làm cầu nối đưa sản phẩm cau Sơn Tây ra nước ngoài. Huyện cũng sẽ tiến đến xác lập thương hiệu cho cây cau Sơn Tây.


Bài, ảnh: A.KIỀU

 


.