Cần kiểm soát chất lượng hàng hóa ở miền núi

08:10, 15/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, thị trường hàng hóa ở miền núi Quảng Ngãi không còn khan hiếm như trước, nhưng để tìm được những mặt hàng chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì không dễ. Thực trạng đó đang là nỗi lo cho sức khỏe người tiêu dùng ở vùng cao Quảng Ngãi.

Ngoại trừ một số tiệm tạp hóa lớn và các cửa hàng được Sở Công thương hỗ trợ thực hiện mô hình "Điểm bán hàng Việt", còn lại thị trường hàng hóa ở các huyện miền núi trong tỉnh "đang có vấn đề". Không chỉ riêng thực phẩm, quần áo, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm, mà còn có nhiều sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát, rượu, trà... không nhãn mác, hạn sử dụng được bày bán ở chợ, quán tạp hóa.

Thói quen mua sắm của người dân nơi đây là chỉ mua những hàng hóa giá rẻ, ít quan tâm đến xuất xứ, chất lượng hàng hóa đó thế nào, nên tạo điều kiện cho hàng hóa kém chất lượng, hàng giả xuất hiện ở các huyện miền núi.

Phiên chợ hàng Việt do Sở Công thương phối hợp tổ chức tại huyện Tây Trà. Ảnh: T.Nhị
Phiên chợ hàng Việt do Sở Công thương phối hợp tổ chức tại huyện Tây Trà. Ảnh: T.Nhị


Hàng hóa, thực phẩm chuyển lên miền núi Quảng Ngãi theo nhiều cách, trong đó phổ biến nhất là "chợ di động" do những người dưới xuôi vận chuyển bằng xe máy, xe tải nhẹ lên cung cấp trực tiếp cho các chợ, cửa hàng tạp hóa và bán trực tiếp cho người dân. Ở huyện Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà, từ đầu năm đến nay đã xảy ra một số vụ ngộ độc nhẹ, do ăn phải thực phẩm mua của những người mang từ dưới đồng bằng lên không đảm bảo vệ sinh.

Việc kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường miền núi chủ yếu tập trung vào dịp Tết và các ngày lễ. Khi kiểm tra phát hiện sai phạm cũng chỉ nhắc nhở, không áp dụng các biện pháp mạnh, như xử phạt hành chính bằng tiền, tịch thu hàng hóa vi phạm. Vì thế, nhiều tiểu thương vẫn buôn bán một số mặt hàng trôi nổi, có xuất xứ hàng hóa không rõ ràng.

Ban Quản lý chợ Di Lăng (Sơn Hà) cho biết, chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát an ninh trật tự trong khu vực chợ. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chỉ tham gia giải quyết khi có thắc mắc trong kinh doanh giữa các tiểu thương. Về phía lực lượng quản lý thị trường tỉnh, cũng chỉ tổ chức phối hợp kiểm tra hàng hóa lưu thông khi tổ chức hội chợ thương mại, phiên chợ hàng Việt...

 Những năm qua, Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực trợ giá, để trợ cước và kêu gọi DN "đưa hàng Việt về miền núi" tiêu thụ. Tuy nhiên, sau khi kết thúc các hoạt động thì gần như chưa thiết lập được nhiều mạng lưới bán hàng chất lượng ở miền núi.

Thói quen "dùng hàng hóa ít quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ..." của người dân miền núi đã vô tình đánh mất quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao trong việc mua, bán hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng.


THANH NHỊ

 


.