Các dự án thủy điện: Bất cập trong chính sách di dân

10:10, 26/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn tỉnh có hai dự án thủy điện thực hiện chính sách di dân, tái định cư (TĐC) với quy mô lớn, gồm thủy điện Hà Nang (Trà Bồng) và thủy điện Đăkđrinh ở huyện Sơn Tây và huyện KonPlông (Kon Tum). Cuộc sống người dân sau TĐC cơ bản ổn định, song hiện tại cũng đã nảy sinh nhiều bất cập, cần sớm được tháo gỡ.

Phát sinh nhiều bất cập

Dự án Thủy điện Đăkđrinh thực hiện trên địa bàn huyện Sơn Tây và huyện Konplong. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, TĐC là 683,1 tỷ đồng, trong đó có 204 hộ TĐC và 2.601 hộ bị ảnh hưởng. Sau hơn 4 năm di dời TĐC, cả chính quyền lẫn người dân đều “gặp khó” với dự án này. Những khó khăn mà người dân vùng TĐC đang đối mặt xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do việc phối hợp thực hiện chính sách di dân còn rất nhiều “lỗ hổng”.

 

Cuộc sống của người dân ở khu TĐC Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây) đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác.
Cuộc sống của người dân ở khu TĐC Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây) đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác.


Tại huyện Sơn Tây, có 3 khu TĐC tập trung do Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Thủy điện Đăkđrinh, gồm: Khu TĐC Nước Vương, xã Sơn Liên có 25 hộ; khu TĐC ĐăkLang, xã Sơn Dung có 38 hộ và khu TĐC Anh Nhoi 2, xã Sơn Long có 27 hộ. Sau nhiều năm chuyển về nơi ở mới, tiền hỗ trợ, đền bù từ dự án người dân nhận được đã bắt đầu vơi dần, thì cũng là lúc cái khó dần lộ ra, vì 100% người dân TĐC sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng lại thiếu đất sản xuất.

Ông Đinh Văn Đây, người dân khu TĐC Nước Vương, xã Sơn Liên cho biết: Chuyển về nơi ở mới, cái vui nhất vẫn là nhà gần trung tâm xã, con cái đi học, sinh hoạt, khám chữa bệnh của bà con ở đây thuận lợi. Nhưng do thiếu đất sản xuất, nên bà con hầu như quanh năm phải đi làm thuê, thu nhập rất bấp bênh. Mình còn sức khỏe thì đỡ lo, chứ người già, hoặc người có sức khỏe yếu thì chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ hằng tháng của Nhà nước.
 

Chủ tịch UBND xã Trà Thủy Hồ Văn Vàng cho biết: Có 153 hộ dân của xã phải vào ở khu TĐC, nhưng đến nay chỉ có 26 hộ thoát nghèo, còn lại là hộ nghèo và cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của người dân vùng TĐC dự án Thủy điện Hà Nang là 4,8 triệu đồng/người/năm. Về lâu dài, Nhà nước cần sớm bố trí đất sản xuất cho người dân, thì mới có thể ổn định cuộc sống cho họ.

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt chia sẻ: Hiện thu nhập bình quân đầu người của người dân vùng dự án thủy điện Đăkđrinh rất thấp, chỉ  4,3 triệu đồng/người/năm. Để đảm bảo cuộc sống của người dân như mục tiêu đã đề ra là bằng, hoặc hơn nơi ở cũ còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có cả ý chí thoát nghèo của từng người dân nữa.

Nếu người dân sử dụng đồng tiền đền bù hợp lý, thì họ không thể tái nghèo nhanh như hiện nay. Mặt khác, với 100% các hộ dân TĐC sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, chính quyền và chủ đầu tư phải có phương án tái định canh cho người dân.

Hàng trăm hộ dân ở thôn 4 và tổ 1, thôn 1, xã Trà Thủy (Trà Bồng) thuộc diện TĐC để nhường đất cho dự án Thủy điện Hà Nang cũng đang trong tình trạng thiếu đất sản xuất, cuộc sống rất khó khăn.

Khó giải bài toán sinh kế

Thủy điện Hà Nang, Đăkđrinh là những dự án thủy điện đầu tiên trong tỉnh, nên công tác TĐC, định canh còn thiếu kinh nghiệm, thực hiện chưa chặt chẽ. Dự án Thủy điện Hà Nang do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, nhưng UBND huyện Trà Bồng đảm nhiệm công tác đền bù, tái định canh, định cư, nhưng chưa bố trí đủ đất để thực hiện tái định canh cho các hộ dân. Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo khắc phục những bất cập này.

Chủ tịch UBND xã Trà Thủy Hồ Văn Vàng cho biết: Dự án Thủy điện Hà Nang được phân khai 21,58 tỷ để bồi thường, hỗ trợ và TĐC, gồm 104 hộ TĐC và 87 hộ bị ảnh hưởng. Việc bố trí TĐC tập trung cách quá xa nơi sinh kế của người dân, dẫn đến nhiều hộ dân rất vất vả, vì phải quay về nơi ở cũ để làm nương rẫy. Phương án bố trí đất sản xuất cho người dân TĐC của dự án Thủy điện Hà Nang, với khoảng 200ha đã được cấp trên phê duyệt, nhưng việc cấp đất cho người dân thì chậm trễ. Nguyên nhân do một số người dân có hộ khẩu, nhưng thiếu chứng minh nhân dân, đi làm ăn xa... gây khó khăn trong xác định nhân khẩu để cấp đất.

Còn đối với dự án Thủy điện Đăkđrinh, ngoài tình trạng sạt lở, thiếu đất canh tác, chủ đầu tư còn chưa thanh toán một số khoản nợ. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết: Huyện đã nhiều lần kiến nghị tỉnh có biện pháp xử lý đối với chủ đầu tư trong việc nợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, TĐC, định canh gần 61 tỷ đồng mà trước đó chủ đầu tư đã cam kết bố trí vốn để huyện đầu tư công trình hạ tầng, phục vụ sản xuất, nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán.

Bồi thường theo phương án "đất đổi đất"

Mới đây, UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Bộ NN&PTNT kiến nghị sớm tháo gỡ những bất cập trong thực hiện TĐC, định canh khi triển khai các dự án thủy điện, trong đó nhấn mạnh, khi triển khai các dự án thủy lợi, thủy điện cần chú trọng đến công tác tái định canh. Đất sản xuất bị thu hồi phải thực hiện theo phương thức “đất đổi đất”, hạn chế tối đa việc bồi thường bằng tiền. Đối với hai dự án thủy điện Hà Nang và Đăkđrinh sẽ xem xét, phân bổ kinh phí thu được từ các nhà máy thủy điện để hỗ trợ sau TĐC cho người dân...
 


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN



 


.