Ngăn ngừa mối xâm nhiễm dịch tả heo Châu Phi

05:09, 30/09/2018
.

(Baoquangngai.vn) – Dịch tả heo Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ lây lan sang Việt Nam. Trong điều kiện chưa có vacxin phòng chống dịch, chủ động chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh ở các trang trại, hộ chăn nuôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Chủ động phòng ngừa

Dù dịch tả Châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc, chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhưng ông Bùi Văn Khanh, ở thôn An Phước, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành không khỏi lo lắng cho đàn heo của gia đình mình.

Hiện gia đình ông Khanh có 200 con heo. Để chủ động phòng ngừa, ông Khanh tiêm thuốc ngừa bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn và lặp lại đúng thời gian, liều lượng để giúp đàn heo nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, cứ 4 - 5 ngày  ông Khanh lại phun thuốc sát trùng quanh chuồng trại một lần.

“Giá heo mới tăng trở lại, mỗi con lãi được khoảng 700.000 - 800.000 đồng, bù lại một phần khoản lỗ của năm ngoái thì nghe cảnh báo có dịch tả heo Châu Phi. Dịch này chưa có thuốc ngừa mình rất lo” - ông Khanh lo lắng.

 

Phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại.



Bà Huỳnh Thị Thuận, ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi cũng bất an khi dịch tả heo Châu Phi đang hoành hành ở nước láng giềng Trung Quốc và cảnh báo có nguy cơ cao lây lan sang Việt Nam.

Gia đình bà Thuận có gần 100 con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng. Mỗi ngày 2 lần bà Thuận dội rửa chuồng trại, chủ động mua thêm thuốc phun khử trùng, giúp đàn heo cách ly tốt các nguồn lây bệnh.

Trạm Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Nghĩa Hành, ông Bùi Văn Ngọc cho biết, thực hiện Tháng tiêu độc khử trùng đợt 2 năm 2018 trên địa bàn tỉnh, nhằm phòng, chống dịch bệnh động vật và ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi, những ngày qua, trạm đã triển khai phun hóa chất tiêu độc khử trùng đồng loạt trên địa bàn huyện.

Trạm đã phân 420 lít hóa chất được cấp cho 12 xã, thị trấn thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nơi buôn bán, giết mổ trên diện rộng. Ngoài ra, còn hướng dẫn cho người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tiêm phòng ngay khi nhập heo về trại.

Trạm cũng tuyên truyền cho người dân chủ động mua thêm hóa chất, phun khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh hằng ngày, hằng tuần. Sau tháng tiêu độc khử trùng, sẽ triển khai đồng bộ tiêm phòng dịch tả lợn và bệnh tụ huyết trùng cho trâu, bò đợt 2 năm 2018.

Cần chăn nuôi an toàn sinh học

Hiện nay dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới và đang hoành hành ở Trung Quốc, nguy cơ lây lan sang Việt Nam là rất lớn. Bệnh dịch tả heo Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra.

 

Tiêm phòng đúng liều lượng để tăng sức đề kháng cho đàn heo.
Cần tiêm phòng đúng liều lượng để tăng sức đề kháng cho đàn heo.


Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên heo, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh này khiến con heo bị đỏ da, tím tái và xuất huyết. Về triệu chứng rất khó phân biệt giữa dịch tả heo cổ điển và dịch tả heo Châu Phi.

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ông Nguyễn Văn Thuận, trong khi dịch tả heo cổ điển có vắc xin thì đáng lo ngại dịch tả heo Châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, giải pháp phòng bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo vệ đàn heo.

Cùng với việc cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh ngay từ biên giới, người chăn nuôi không nên chủ quan, dù dịch bệnh chưa xuất hiện tại Việt Nam.

Cũng theo ông Thuận, bà con cần nâng cao ý thức phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học. Khi mua con giống phải rõ nguồn gốc rõ ràng, giống nhập ngoài tỉnh phải có giấy kiểm dịch chuyên ngành thú y. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng đàn heo, nếu dùng thức ăn liên quan đến sản phẩm động vật phải nấu chín.

Hiện nay thời tiết mưa nắng thất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm sút. Thời tiết này là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, vì vậy bà con cần vệ sinh tiêu độc độc khử trùng chuồng trại thường xuyên và tiêm phòng đúng thời gian, đủ liều lượng các loại bệnh như dịch tả cổ điển, heo tai xanh… để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Chi cục đã phân bổ 6.000 lít hóa chất cho các huyện, thành phố thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng và đủ lượng vắc xin tiêm phòng các loại bệnh đợt 2 năm 2018. Khi phát hiện có dấu hiệu dịch bệnh, người chăn nuôi báo cáo kịp thời với UBND xã để sớm khoanh vùng xử lý ổ dịch, tránh lây lan ra diện rộng.

Bài, ảnh: C.P

 


.