Đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện

02:09, 18/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện là phải đảm bảo an toàn các hồ, đập, đặc biệt là hồ chứa thủy điện, nhằm chủ động phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do các sự cố mất an toàn do các hồ, đập gây ra.

TIN LIÊN QUAN

Toàn tỉnh hiện có 7 công trình thủy điện đã đưa vào vận hành. Trong đó, có 3 thủy điện không có hồ chứa, hoặc hồ chứa có dung tích rất nhỏ (thủy điện Cà Đú-Trà Bồng, thủy điện Sông Riềng -Tây Trà, thủy điện Huy Măng -Sơn Tây). Còn lại, thủy điện Hà Nang (Trà Bồng), Nước Trong (Sơn Hà), Sơn Trà 1 và  Đắkđrinh (Sơn Tây) có hồ chứa nước quy mô lớn.

Hiện nay, chủ đầu tư các công trình này đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão năm 2018 và đã được phê duyệt. Trong đó, thủy điện Sơn Trà 1 mới tích nước, vừa đưa vào vận hành phát điện 4 tổ máy.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra Hồ chứa nước thủy điện Sơn Trà 1.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra Hồ chứa nước thủy điện Sơn Trà 1.


Đối với thủy điện Đắkđrinh, hồ chứa có dung tích gần 250 triệu m3, là hồ chứa lớn thứ 3 trong số các hồ chứa thủy điện của cả nước. Kể từ ngày đưa vào khai thác, chủ đầu tư đã thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nghiêm túc, đảm bảo nước tưới phần phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và cắt, giảm lũ cho vùng hạ du trong mùa mưa, lũ. Công tác an toàn hồ đập được giám sát chặt chẽ. Hiện tại, phương án phòng, chống lụt, bão năm 2018 đối với công trình này đã được phê duyệt.

"UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải tuân thủ, thực hiệm nghiêm quy trình vận hành liên hồ, vận hành hồ chứa, tuyệt đối đảm bảo an toàn. Hiện nay, các công trình thủy điện trên thượng nguồn đều bắt buộc phải có cống xả đáy, đảm bảo an toàn của công trình. Mọi phương án phòng, chống lũ, bão, đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện phải chủ động ngay từ bây giờ, không chờ đến mùa mưa lũ mới triển khai".


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH


Theo lãnh đạo Nhà máy thủy điện Đắkđrinh, thông qua 3 trạm đo mưa, thủy điện Đắkđrinh phối hợp với Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi để thường xuyên dự báo lượng mưa trong ngày, 5 ngày tới và 10 ngày tới, qua đó triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho hồ, đập.

Hiện nay, Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân cũng đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa đối với công trình thủy điện Hà Nang. Đây là hồ chứa đập đất, lại xây dựng trên đỉnh cao gần 1.000m so với mực nước biển, trở thành mối lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.

Tuy nhiên, với thiết kế phân ra thành nhiều cao trình, nhiều khoang chứa và mỗi khoang chứa cách nhau vài kilômét, nên áp lực dòng chảy mỗi khi có mưa, lũ lớn là không nhiều. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và ngành chức năng rất quan tâm và luôn giám sát chặt chẽ quá trình vận hành hồ chứa và việc thực hiện các giải pháp an toàn hồ đập của chủ đầu tư.

Với thủy điện Sơn Trà 1, hồ chứa nằm ở xã Sơn Lập, trên đoạn sông hẹp và dốc chảy từ tỉnh KonTum về, dung tích hồ chứa nhỏ hơn 10.000.000m3; toàn bộ đập được xây dựng bằng bê tông. Hơn nữa, phía thượng nguồn Kon Tum trên cùng một nhánh sông có nhiều thủy điện bậc thang khác, nên lưu lượng nước về hồ được giảm áp lực đáng kể. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hồ đập, chủ đầu tư thủy điện Sơn Trà 1 là Công ty CP 30/4 đã xây dựng cụ thể phương án vận hành, phương án phòng, chống lụt bão và được tỉnh kiểm tra, phê duyệt.

Giám đốc Công ty CP 30/4 Đinh Gia Nội cho biết: "Việc vận hành nhà máy đều phải tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật; yêu cầu đảm bảo an toàn cho công trình luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là vào mùa mưa lũ, không để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến dân sinh vùng lân cận".


Bài, ảnh: THANH NHỊ




 


.