Phát triển công nghiệp: Còn nhiều thách thức

09:08, 06/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để sớm trở thành tỉnh công nghiệp (CN) phát triển theo hướng hiện đại, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 18 về đẩy mạnh phát triển CN giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, sau 2 năm thực hiện đã mang lại những tín hiệu vui, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với mục tiêu phát triển CN của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều gam màu sáng

Hai năm trở lại đây, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tiếp tục là đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đã thu hút đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất và các dự án phụ trợ cho khu liên hợp, như Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp của Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Hải Phòng, thuộc Tập đoàn Messer (CHLB Đức); Nhà máy sản xuất hợp kim sắt Hòa Phát -Dung Quất...

Mặc dù có lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, nhưng ngành dịch vụ cảng biển và logistic của tỉnh vẫn chưa phát triển.
Mặc dù có lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, nhưng ngành dịch vụ cảng biển và logistic của tỉnh vẫn chưa phát triển.

Lĩnh vực CN thực phẩm, da giày, dệt may và chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đã thu hút được 11 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 166 triệu USD và thu hút được 1 dự án CN phụ trợ, với vốn đăng ký 13 triệu USD... Giải quyết việc làm mới cho khoảng 3.550 lao động. Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Nguyễn Minh Tài cho biết: Đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 150 doanh nghiệp đi vào sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm cho trên 35.700 lao động...
 

Có 4 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt

Qua 2 năm thực hiện Kết luận 18 của Tỉnh ủy còn 4 chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh chưa đạt. Đó là, giá trị CN tăng thêm của tỉnh giảm 1,27%/năm (chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020 tăng 3-4%/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp giảm 2%/năm (chỉ tiêu tăng bình quân 2 -3%/năm). Tỷ trọng CN – xây dựng trong cơ cấu GRDP hiện chiếm 51,5%, trong đó CN chiếm 46,24% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 60-61%, trong đó CN chiếm 56-57%). Tỷ lệ lao động CN – xây dựng trong tổng lao động của tỉnh chiếm 30% (chỉ tiêu là 32%).

Hai năm qua, tỉnh ta cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Trung tâm hành chính công của tỉnh ra đời, với 530 thủ tục hành chính cấp tỉnh liên thông, có hệ thống phần mềm một cửa điện tử, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Quyết định chủ trương đầu tư chỉ còn 15/20 ngày và rà soát, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy CN phát triển. Nổi bật là, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 36, quy định về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện công tác bồi thường, tái định cư, GPMB các dự án lớn đã, đang và sắp triển khai trên địa bàn...

Còn nhiều thách thức

Thách thức lớn nhất đối với phát triển CN của tỉnh hiện nay là quy mô CN còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, phụ thuộc quá nhiều vào NMLD Dung Quất. Sự phát triển các loại hình CN, dịch vụ ưu tiên khuyến khích, thu hút đầu tư như: Lọc hóa dầu, các sản phẩm sau dầu; CN phụ trợ; CN có hàm lượng công nghệ cao; dịch vụ vận tải biển, cảng biển, logistic... vẫn còn chậm. Hạ tầng kỹ thuật tại các KCN, CCN chưa đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Hạ tầng xã hội tại các KCN, CCN cũng chưa được quan tâm quy hoạch, đầu tư. Đa số lao động CN có trình độ, tay nghề thấp; thiếu lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao...

 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang đóng góp rất lớn đối với phát triển CN của tỉnh.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang đóng góp rất lớn đối với phát triển CN của tỉnh.

Trước thực tế đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cho rằng, cần tập trung phát triển CN cả chiều rộng và chiều sâu. Tập trung thu hút các dự án phát triển cảng biển và hệ thống logistic; đẩy mạnh phát triển CN công nghệ cao; CN sạch; CN hóa dầu; CN phụ trợ, các ngành CN giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
 
Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy phát triển CN của tỉnh, như Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất, Khu Đô thị - Công nghiệp Dung Quất, Khu VSIP Quảng Ngãi... Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách mới trong phát triển CN; đào tạo lao động kỹ thuật cao cho những ngành CN mà tỉnh đang khuyến khích, thu hút đầu tư và kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất...
 
Từ năm 2016-2018, tỉnh ta đã thu hút được 65 dự án đầu tư phát triển CN, với tổng vốn đăng ký khoảng 3,34 tỷ USD. Trong đó, KKT Dung Quất thu hút 56 dự án/3,33 tỷ USD, đạt 129% chỉ tiêu đề ra; các KCN thu hút 9 dự án/257,2 tỷ đồng; các cụm CN 17 dự án/763 tỷ đồng (139%). Đến nay, toàn tỉnh có 501 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 236.482 tỷ đồng; trong đó có 48 dự án FDI/1.455 triệu USD và hiện có 27 dự án đi vào hoạt động.
 

 


Bài, ảnh: PHẠM DANH

       


 


.