Hiệp định tự do thương mại: Tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển

07:08, 11/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam chủ động tham gia sẽ mang đến cho Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng được những cơ hội đó là điều không đơn giản.

TIN LIÊN QUAN

Cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với hàng loạt các nước. Trong đó, có những hiệp định đã ký kết cách đây 15 năm, như hiệp định về khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Tuy nhiên, cao điểm nhất trong ký kết các FTA là khoảng từ năm 2015 đến nay, khẳng định sự tham gia sâu rộng, có chất lượng của Việt Nam vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc gia nhập FTA sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế.     
     

Sau khi một số hiệp định tự do thương mại (FTA) được ký kết, hàng dệt may của Quảng Ngãi có cơ hội xuất khẩu với thuế suất ưu đãi. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Vinatex Đức Phổ.
Sau khi một số hiệp định tự do thương mại (FTA) được ký kết, hàng dệt may của Quảng Ngãi có cơ hội xuất khẩu với thuế suất ưu đãi. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Vinatex Đức Phổ.


Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ 2015, đã tạo điều kiện cho hàng hóa giữa hai nước có mặt trên thị trường của hai quốc gia. Hiện tại, phần lớn các dòng thuế đối với ngành dệt may chỉ ở mức 0%. Thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước cũng trở nên thông thoáng. Đối với hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Nhật Bản (VIEPA), có hiệu lực năm 2009, phía Nhật Bản đã cam kết áp dụng thuế suất 0%. Về phía Việt Nam, từ nay đến khi hiệp định hết hiệu lực (năm 2026) sẽ áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu từ Nhật Bản.
 

Theo đánh giá của GS, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, gia nhập FTA là cơ hội gia tăng vốn đầu tư, chiếm lĩnh thị trường trong nước và cải cách DN theo hướng tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, cơ hội ấy chỉ phát huy khi doanh nghiệp (DN) xử lý tốt các thách thức từ quá trình hội nhập.

Hiện tại, thị trường Quảng Ngãi đang có nhiều mặt hàng của Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó nhiều nhất là hàng may mặc và thực phẩm, mỹ phẩm. Cùng với đó, một số hàng hóa của Quảng Ngãi" cũng đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tận dụng hiệu quả các lợi thế

Hiện nay, ngoài 12 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam còn đang tham gia đàm phán 5 hiệp định khác với quy mô lớn, mang tính chất đa phương, như Việt Nam - EU (EVFTA). Hiện tại các bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định và lên kế hoạch ký kết, dự kiện sẽ có hiệu lực thực thi trong năm 2018.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand đang được xem xét và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối 2018 để đi đến ký kết. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - khối EFTA, gồm Việt Nam, Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein, khởi động đàm phán từ 6 năm trước và hiện đang trong giai đoạn nước rút để đi đến thống nhất thỏa thuận, ký kết hợp tác...

 Khi 5 hiệp định tự do thương mại này chính thức được ký kết, có hiệu lực thì hàng hóa Việt Nam sẽ có thêm cơ hội vươn xa đến hơn 40 nước trên thế giới, với sự ưu đãi về thuế, trong đó có nhiều mức thuế suất áp dụng 0%. Đây chính là cơ hội để các DN Quảng Ngãi nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển, hội nhập với thị trường thế giới.


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.