Chỉnh trị sông Trà: Dự án mang nhiều ý nghĩa

09:08, 21/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉnh trị sông Trà Khúc gắn với phát triển đô thị hai bên bờ sông là nhiệm vụ quan trọng được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Thực hiện chủ trương đó, tỉnh ta đang triển khai đầu tư dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, mở ra nhiều cơ hội để TP.Quảng Ngãi phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ...

TIN LIÊN QUAN

Nhiều cơ hội từ dự án

Chỉnh trị, xây dựng đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc là mong muốn của đảng bộ và nhân dân tỉnh ta trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên mặc dù dự án đã hai lần (2004 và 2009) được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tiếp tục đề ra chủ trương chỉnh trị sông Trà Khúc gắn với phát triển đô thị hai bên bờ sông.

 

 Phối cảnh công trình Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.
Phối cảnh công trình Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.


Để hiện thực hóa chủ trương trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu và đến nay đã cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc. Đây là dự án thủy lợi kết hợp giao thông, được xây dựng trên địa bàn xã Tịnh An và Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).

Mục tiêu của dự án là giữ nước, tạo mực nước dâng hợp lý tại đoạn sông Trà Khúc chảy qua TP.Quảng Ngãi để tạo cảnh quan, cải thiện môi trường khí hậu cho thành phố. Đồng thời, khai thác quỹ đất đô thị tại đảo Ngọc (xã Tịnh An) để phát triển đô thị, tạo nguồn thu cho ngân sách từ quỹ đất.

 

“Chúng tôi rất quan tâm đến cảnh quan, mỹ quan và vấn đề xử lý nước thải, cũng như các yếu tố tác động môi trường của dự án. Đây là công trình thủy lợi kết nối giao thông, nên ngoài mục đích tạo mực nước dâng hợp lý cho sông Trà Khúc, còn phải tạo nên điểm nhấn cho TP.Quảng Ngãi. Đặc biệt, sẽ kết hợp xây dựng hai bến du thuyền để khai thác phát triển du lịch...”.


Giám đốc BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình
 giao thông tỉnh
HÀ HOÀNG VIỆT PHƯƠNG


Dự án còn là cầu nối hai bên bờ sông với đảo Ngọc, phát triển các tuyến đường trong mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị, tạo điều kiện để kết nối giữa khu đô thị hiện hữu với đô thị đảo Ngọc trong tương lai. Đồng thời, từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đô thị, tạo thuận tiện cho người dân đi lại, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch - dịch vụ và phát triển đô thị của TP.Quảng Ngãi theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2030. Ngoài ra, công trình còn bổ sung nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt và hạn chế xâm nhập mặn trong lòng sông (về phía thượng lưu đập) trong điều kiện biến đổi khí hậu...

Đảm bảo cân đối ngân sách đầu tư

Dự án này có tổng vốn đầu tư 1.498 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư; thời gian thực hiện từ năm 2018 – 2021 và đã được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 10.2017.

 Một đoạn sông Trà Khúc qua địa bàn TP.Quảng Ngãi thời điểm hiện tại.
Một đoạn sông Trà Khúc qua địa bàn TP.Quảng Ngãi thời điểm hiện tại.


Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Chánh cho biết, trong giai đoạn từ năm 2011 – 2016, mặc dù tỉnh ta có nguồn thu ngân sách khá cao từ NMLD Dung Quất, nhưng Trung ương điều tiết cho tỉnh còn ít, nên không đủ đầu tư dự án. Năm 2017, ngân sách tỉnh vượt thu trên 2.000 tỷ và trong kế hoạch tài chính từ năm 2018 – 2021, bình quân ngân sách tỉnh cũng vượt thu ít nhất 2.000 tỷ đồng/năm, nên sẽ đảm bảo bố trí vốn cho dự án.

Hiện nay, tỉnh đã bố trí vốn cho dự án 400 tỷ đồng. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thống nhất để lại và cho phép tỉnh sử dụng khoản kinh phí từ nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương năm 2017 thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 để thực hiện đầu tư dự án.

Vấn đề tác động môi trường của dự án cũng được dư luận trong tỉnh quan tâm. Đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Theo dự án được phê duyệt năm 2009, vị trí đập dâng nằm cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 1km về phía hạ lưu (tức nằm phía thượng lưu của đảo Ngọc).

Tuy nhiên, sau khi khảo sát, nghiên cứu thì vị trí xây dựng đập dâng này chưa phù hợp và không tạo được động lực để phát triển đô thị đảo Ngọc. Do đó, hiện nay vị trí xây dựng đập dâng được điều chỉnh về phía hạ lưu đảo Ngọc, cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 3,2km về phía hạ lưu.

Riêng mực nước dâng tối đa sau hình thành đập dâng là ở ngưỡng 3,65m và có thể điều tiết mực nước này giảm xuống bằng cách nâng các cửa van tại đập dâng. Ngoài ra, việc xây dựng đập dâng sẽ kết hợp với việc nạo vét cát, tạo sự thông thoáng cho lòng sông Trà Khúc, nên sẽ làm tăng khả năng thoát lũ so với hiện tại...


Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.