Sạt lở bờ biển, bờ sông: Người dân lo, công trình đợi vốn

07:07, 26/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi mùa mưa bão đi qua, bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh lại bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền, đe dọa tính mạng và tài sản người dân; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Toàn tỉnh hiện có 21 điểm sạt lở bờ biển, trong đó có 5 điểm đặc biệt nguy hiểm; tốc độ sạt lở trung bình 5m/năm. Một số điểm có tốc độ sạt lở 10-15m/năm, như: Thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi); thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị và các thôn Phước Thiện, An Cường, Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn)... Các sông, suối lớn trên địa bàn tỉnh cũng đang có 152 điểm bị sạt lở, trong đó có 105 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Tổng diện tích cửa sông bị bồi lấp trên 319ha.


---------------------
Người dân lo lắng


Thời gian qua, người dân sống dọc bãi biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) thấp thỏm âu lo, vì tuyến kè chắn sóng bị hư hỏng nặng. Tuyến bờ kè dọc bãi biển Sa Huỳnh được đầu tư xây dựng vào những năm 2000, với tổng chiều dài hơn 1.300m và được ví như “bức bình phong” bảo vệ tính mạng, tài sản cho hơn 400 hộ dân thôn Thạch Bi 2, cùng nhiều công trình giao thông, trụ sở. Tuy nhiên, mùa mưa lũ năm 2016, kè chắn sóng Sa Huỳnh bị sạt lở và mức độ hư hỏng ngày càng tăng.

 

 Kè chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh bị hư hỏng nặng, nhưng chỉ gia cố bằng đá tảng.
Kè chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh bị hư hỏng nặng, nhưng chỉ gia cố bằng đá tảng.


Nếu như năm 2016, gần 300m kè bị hư hỏng, thì hiện nay, hơn 700m kè đã bị sóng biển phá hỏng, kéo theo tuyến đường bê tông dọc kè cũng “rỗng ruột”, đe dọa hàng trăm nhà dân và công trình khác... Chính vì vậy, chính quyền địa phương và người dân ở đây rất lo lắng. “Nếu không có phương pháp khắc phục khẩn cấp, toàn bộ tuyến kè sẽ biến mất trong nay mai; nhà cửa, ruộng vườn của người dân cũng sẽ bị biển cuốn trôi”, ông Phan Văn Tróc, ở thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh lo lắng.

 “Các địa phương, đơn vị cần theo dõi và tổ chức xử lý bước đầu đúng trình tự, phương pháp để tạm thời hạn chế tình trạng sạt lở đất bờ sông, bờ biển; tập trung rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời dân vùng sạt lở và vùng nguy cơ cao bị sạt lở đến nơi an toàn; bố trí lực lượng canh gác và hướng dẫn nhân dân các hoạt động an toàn; cập nhật phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngay từ cấp cơ sở... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra”.


Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN NGỌC CĂNG


Còn người dân thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê cũng thấp thỏm âu lo, khi bờ biển bị sạt lở hiện chỉ cách khu dân cư 50m và ngày càng “ngoạm” sâu vào đất liền. Mùa mưa lũ năm 2017, do thay đổi dòng chảy, khu vực Cửa Đại giữa xã Nghĩa An và xã Tịnh Khê đã xảy ra sạt lở bờ biển, với chiều dài 300m, lấn sâu vào đất liền hơn 200m. Hậu quả là 4 nhà dân bị cuốn trôi ra biển, 3ha rừng phòng hộ và 20m đường cống thoát nước tuyến đường bờ đông sông Kinh đi Cửa Đại bị xói lở, cuốn trôi.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, tình trạng sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn bộ khu dân cư thôn Khê Tân, với 350 hộ/1.200 nhân khẩu. “Biển cứ lở, mùa mưa thì sắp đến. Vì vậy, chính quyền địa phương và người dân rất mong nhà nước quan tâm, sớm xây dựng kè chắn sóng để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất”, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trương Thanh Thảo kiến nghị.

Không chỉ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân ven sông, biển; mà tình trạng sạt lở, bồi lấp ven biển và các cửa sông cũng “làm khó” ngư dân. Như cửa Đại sông Trà Khúc, hay cửa biển Sa Huỳnh thường xuyên bị bồi lấp, gây khó khăn cho hàng nghìn tàu thuyền ra vào, neo đậu.

Riêng cửa biển Sa Huỳnh đã được đầu tư xây dựng một tuyến đê chắn cát dài 450m phía bờ tây, nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm được tình trạng bồi lấp. Chính vì vậy, gần 800 tàu thuyền của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi ra vào hoạt động và neo đậu, tránh trú trong mùa mưa bão.


---------------------
Công trình đợi... vốn!


Mặc dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã nỗ lực thực hiện các biện pháp sửa chữa, nhưng vì nguồn vốn hạn hẹp, nên các điểm sạt lở chưa được xử lý dứt điểm, hầu hết chỉ gia cố tạm thời.
 

Cần khoảng 5.000 tỷ đồng để đầu tư


UBND tỉnh vừa kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương xem xét, hỗ trợ gần 5.000 tỷ đồng để đầu tư, xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông. Trước mắt, tỉnh cần hỗ trợ 570 tỷ đồng, để đầu tư, xử lý, khắc phục các điểm sạt lở, bồi lấp đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương.

Như kè chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh, sau khi xảy ra sự cố sạt lở, hư hỏng vào năm 2016, UBND huyện Đức Phổ đã trích ngân sách 500 triệu đồng để gia cố một số điểm hư hỏng nặng bằng đá tảng. “Nhưng đây chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài phải đầu tư kiên cố một số đoạn trên tuyến kè mới đảm bảo an toàn cho 160 hộ dân và các công trình lân cận. Tuy nhiên, ngân sách địa phương không thể đáp ứng, nên huyện đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khẩn cấp để khắc phục”, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em cho biết. Từ năm 2016 đến nay, dự án khôi phục kè chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh dài 700m, kinh phí thực hiện 40 tỷ đồng vẫn chưa được bố trí vốn.

Mong mỏi có kè chắn sóng của người dân thôn Khê Tân cũng chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Bởi ngay sau khi xảy ra tình trạng biển sạt lở và “ngoạm” 4 nhà dân vào cuối năm 2017, các ngành chức năng của tỉnh đã khẩn trương lập dự án đề nghị xây dựng công trình chống sạt lở bờ bắc Cửa Đại, khu dân cư thôn Khê Tân, với chiều dài 1.200m, kinh phí 140 tỷ đồng. Thế nhưng đã một năm trôi qua, công trình vẫn đang đợi, vì thiếu vốn!

Trong khi đó, Dự án đê Phổ Minh (Đức Phổ) hiện cũng thi công cầm chừng, vì nguồn vốn bố trí chậm. Đê Phổ Minh có tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) 80 tỷ đồng, có nhiệm vụ phòng tránh những bất lợi từ biển, đảm bảo an toàn cho người dân xã Phổ Minh và các vùng lân cận. Dự án tuy đã được triển khai thực hiện từ năm 2016, nhưng đến thời điểm này, ngân sách chỉ bố trí gần 30 tỷ đồng. Chính vì vậy, khối lượng công trình hiện chỉ đạt 35%.
 Bờ biển thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) sạt lở và cuốn trôi nhà dân.
Bờ biển thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) sạt lở và cuốn trôi nhà dân.

“Bên cạnh việc đôn đốc các đơn vị ưu tiên bố trí phương tiện và nguồn lực thi công, đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão 2018, chúng tôi rất mong các ngành chức năng quan tâm, bố trí nguồn vốn kịp thời, để công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng”, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Từ Văn Tám kiến nghị.


Bài, ảnh: MỸ HOA





 


.