Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Nỗ lực gia nhập thị trường lớn

08:07, 27/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có hơn 4.000 doanh nghiệp (DN), nhưng hầu hết là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Trong năm 2018, nhiều sản phẩm của DN vừa và nhỏ của tỉnh đã tự tin vươn ra thị trường lớn ở trong và ngoài nước.

TIN LIÊN QUAN

Trong gần 7 tháng của năm 2018, kinh tế Quảng Ngãi đã cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra, trong đó có nhiều DN bứt phá đi lên bằng chính sản phẩm chất lượng, được thị trường chấp nhận, kể cả những thị trường xuất khẩu khó tính, như Mỹ, Nhật Bản...

 

Gạch không nung Tiến Châu (Tư Nghĩa) có thị trường nội tỉnh khá phát triển.
Gạch không nung Tiến Châu (Tư Nghĩa) có thị trường nội tỉnh khá phát triển.


Kết quả này là nhờ các DN đã nắm bắt cơ hội trong hội nhập kinh tế thế giới; nỗ lực tìm giải pháp thoát khỏi những khó khăn, tăng sức cạnh tranh với DN ngoại. Nhiều DN nhỏ của tỉnh đã xác định tập trung thị phần tiêu thụ nội địa với chiến lược kinh doanh khá táo bạo khi mở rộng thị trường, giữ và tăng trưởng thị phần. Đơn cử như sản phẩm gạch không nung Hòa Bình (Bình Sơn), gạch không nung Tiến Châu (Tư Nghĩa), gạch không nung Bích Hường (Mộ Đức)...

 

"Rào cản lớn nhất của DN vừa và nhỏ là thiếu vốn. Đây là yếu tố chính khiến họ không thể thay đổi công nghệ sản xuất, cải thiện đầu tư, nâng cao chất lượng và gia tăng nội lực cạnh tranh về giá thành sản phẩm trên thị trường. Vì thế, các ngân hàng cần chia sẻ rủi ro trong đầu tư với DN vừa và nhỏ...".


Giám đốc Sở Công thương
TRẦN PHƯỚC HIỀN

Trong bảng xếp loại các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ổn định trong những năm gần đây của Quảng Ngãi, ngoài những DN lớn như Doosan Vina, NMLD Dung Quất, nhiều DN ở KKT Dung Quất và các KCN, khu VSIP cũng được nhắc đến như Hoa Cương, Viễn Gia, PTSC...

Tuy nhiên, những DN sản xuất ngành hàng thực phẩm lại không may mắn như thế. Sản phẩm của DN rất khó gia nhập các thị trường lớn, đặc biệt là tham gia vào các siêu thị, nhất là siêu thị do nước ngoài đầu tư. Mặc dù có sự cam kết không có sự phân biệt đối xử giữa hàng trong nước và hàng ngoại nhập, nhưng trên thực tế, hàng ngoại giá rẻ vẫn được ưu tiên nhập và bố trí quầy kệ với nhiều lợi thế. Mặt khác, những người làm đại lý cho các mặt hàng này yêu cầu chiết khấu khá cao để DN khó lòng chấp nhận hợp tác cung ứng hàng hóa.

Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, cơ hội cho DN vừa và nhỏ là rất lớn. Tuy nhiên, nếu không nắm bắt và đối phó hiệu quả với những rủi ro thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh.

Từ năm 2017 đến nay, Sở Công thương đã tổ chức nhiều sự kiện kết nối tiêu thụ sản phẩm cho DN vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất trong tỉnh với khu vực và thậm chí là cả nước ngoài (Trung Quốc). Đồng thời hỗ trợ cho các DN tham gia hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung, khu vực  Tây Bắc, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác. Đã có nhiều sản phẩm của Quảng Ngãi đến được thị trường miền Tây Nam Bộ thông qua hệ thống siêu thị; ra Tây Bắc qua kênh xuất hàng đi Trung Quốc.

Tuy nhiên, số lượng mặt hàng tham gia thị trường vẫn còn hạn chế, chỉ mới dừng lại ở khâu quảng bá hàng hóa là chủ yếu, chưa mang lại lợi nhuận kinh tế thực thụ. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, ngành công thương tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN vừa và nhỏ tiếp cận thị trường, ổn định sản xuất trước tình hình gia tăng hội nhập sâu rộng và có thể "ứng phó" với hàng Trung Quốc giá rẻ có thể tràn sang, do xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc tạo ra...


Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.