Cho tạm ứng, ứng trước về ngân sách: Cần có giải pháp để thu hồi

10:07, 06/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Luật Ngân sách 2015, UBND tỉnh đã điều hành ngân sách cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, việc cho tạm ứng, ứng trước ngân sách tỉnh vẫn cao, trong đó có nhiều khoản chi tạm ứng không nằm trong nhiệm vụ chi ngân sách...


Cho tạm ứng gần 1.000 tỷ đồng

Cuối năm 2017, nợ tạm ứng, ứng trước ngân sách tỉnh khoảng 1.448 tỷ đồng. Vì thế, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo tập trung thu hồi và đã thu được 465 tỷ đồng. Số còn nợ tính đến ngày 30.6.2018 khoảng 982 tỷ đồng.

Dự án đường bờ Nam sông Trà được ngân sách tỉnh ứng 100 tỷ đồng thi công, hiện vẫn chưa hoàn tạm ứng.
Dự án đường bờ Nam sông Trà được ngân sách tỉnh ứng 100 tỷ đồng thi công, hiện vẫn chưa hoàn tạm ứng.


Số tiền ngân sách tỉnh cho tạm ứng, ứng trước đối với khoản nằm trong kế hoạch trung hạn là 280 tỷ đồng, thực hiện nhiệm vụ chi 7 nội dung. Cụ thể là, ứng trước 8 tỷ đồng thực hiện dự án đường ĐH72 - Làng Trá (Sơn Hà); 152 tỷ đồng thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đã bố trí vốn kế hoạch năm 2016 (đã hoàn tạm ứng 37 tỷ đồng,  còn 115 tỷ đồng); 100 tỷ đồng thực hiện dự án đường bờ nam sông Trà Khúc; 15 tỷ đồng thực hiện dự án Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng; 22 tỷ đồng đầu tư xe truyền hình lưu động và cải tạo Bệnh viện đa khoa (đã hoàn trả 7 tỷ đồng); 5 tỷ đồng đầu tư khẩn cấp đập Đồng Thét (Hành Nhân - Nghĩa Hành); 30 tỷ đồng xây dựng khu nghĩa địa Lý Sơn.
 

Số tiền ngân sách tạm ứng, ứng trước không thuộc nhiệm vụ chi ngân sách tỉnh phải gấp rút thu hồi là 537 tỷ đồng. Trong đó, tạm ứng trước khoản chi thuộc nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu là 238 tỷ đồng, chi cho các khoản gồm: Di dân hồ chứa nước Nước Trong và sửa chữa, khắc phục bến cập tàu đảo Bé. Còn lại gần 300 tỷ đồng cho ngân sách TP.Quảng Ngãi, KKT Dung Quất, DN, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện Lý Sơn tạm ứng thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, giải phóng mặt bằng, bình ổn giá, hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo...

Số tiền tạm ứng, ứng trước không có trong kế hoạch trung hạn là 694 tỷ đồng, thực hiện 12 nội dung chi, chủ yếu là ứng để thi công các công trình xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới, tinh giản biên chế, khắc phục hậu quả lũ lụt, chi trả nợ công đến hạn. Trong đó có các khoản chi lớn như: Ứng trước 280 tỷ đồng chi trả nợ gốc ODA đến hạn; 200 tỷ đồng thực hiện dự án cầu Thạch Bích (hiện đã thu hồi được 161 tỷ đồng, còn 39 tỷ đồng); 115 tỷ đồng xây dựng công trình khu đô thị mới phục vụ tái định cư khu II đê bao TP.Quảng Ngãi; tạm ứng 70 tỷ đồng xây dựng NTM cho huyện Nghĩa Hành và mua xi măng hỗ trợ làm đường giao thông trên địa bàn tỉnh; 30 tỷ đồng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án tại KKT Dung Quất...

Thu hồi gặp nhiều khó khăn

Đối với các khoản tạm ứng, ứng trước nằm trong kế hoạch vốn trung hạn, dài hạn hoặc không nằm trong kế hoạch này, nhưng thuộc nhiệm vụ chi ngân sách thì việc thu hồi nợ tạm ứng không mấy khó khăn. Riêng đối với các khoản nợ tạm ứng không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh thì việc thu hồi nợ rất khó khăn.

Bến cập tàu đảo Bé được tỉnh ứng ngân sách tỉnh 20 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục hư hỏng, nhưng hiện tại ngân sách Trung ương chưa hoàn trả.
Bến cập tàu đảo Bé được tỉnh ứng ngân sách tỉnh 20 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục hư hỏng, nhưng hiện tại ngân sách Trung ương chưa hoàn trả.


Đơn cử như khoản tạm ứng thực hiện hợp phần di dân hồ chứa nước Nước Trong lên đến 252 tỷ đồng (hiện mới thu hồi được 16,7 tỷ đồng). Khoản tạm ứng này được tỉnh cho ngân sách Trung ương ứng trước từ các năm 2012, 2013, 2015 và 2017, nhưng đến nay vẫn chưa bố trí trả nợ cho tỉnh. Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính đã kiến nghị Bộ NN&PTNT- Chủ đầu tư công trình hồ chứa nước Nước Trong khẩn trương bố trí kinh phí trả nợ cho tỉnh. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Trong năm 2018, bộ sắp xếp được 100 tỷ đồng từ nguồn chi dự phòng của bộ để trả cho Quảng Ngãi. Số tiền còn lại hơn 130 tỷ đồng nữa, bộ sẽ tiếp tục xem xét trong thời gian tới.

Còn khoản tạm ứng 210,5 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng tại KKT Dung Quất từ năm 2016, theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh thì phải chờ nhà đầu tư hoàn trả. Đây là khoản tạm ứng bồi thường, giải phóng mặt bằng cho một số dự án tại KKT Dung Quất, nhưng sau khi giải phóng mặt bằng xong giao cho nhà đầu tư, nhà đầu tư lại chưa tích cực triển khai dự án. Vì thế, việc thu hồi, hoàn trả tạm ứng bị chậm. Ngoài ra, còn có 1,29 tỷ đồng cho doanh nghiệp (Trung tâm thương mại Ông Bố) tạm ứng để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá hàng hóa tết Nguyên đán 2017, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn trả.   

Bài, ảnh: THANH NHỊ

          


 


.