Xuất khẩu thủy sản: Niềm vui chưa trọn vẹn

02:06, 01/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm liên tục tăng, do nguồn nguyên liệu xuất khẩu dồi dào, thị trường tiêu thụ ở các nước trên thế giới không ngừng tăng. Tuy nhiên, các DN chế biến thủy sản xuất khẩu của Quảng Ngãi cũng đang lo lắng, bởi "tấm thẻ vàng" của EU về vi phạm ngư trường trong đánh bắt dành cho Việt Nam vẫn chưa được rút lại.

TIN LIÊN QUAN

Tín hiệu vui...

Từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ra khơi đánh bắt gặp nhiều thuận lợi. Các đội tàu đánh bắt hoạt động hết công suất, các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản cũng không ngừng tuyển thêm công nhân để đảm bảo hoàn thành các đơn hàng với đối tác.

Ông Võ Tấn Bảo, chủ cơ sở thu mua hải sản tại cảng Sa Kỳ cho biết: "Từ Tết đến giờ, có tàu cập bờ 5 chuyến. Họ đi khơi trúng cá, vào bờ bán rồi lại quay tàu ra khơi ngay. Cá đánh bắt xa bờ hầu hết đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá thành cao, bình quân từ 100.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại".

 Tấp nập cảng cá Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi).
Tấp nập cảng cá Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi).


Hoạt động thủy sản khởi sắc, nên nhiều nhà máy, xí nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản xuất khẩu liên tục ra đời, các nhà máy cũ thì tập trung nâng công suất, đổi mới công nghệ. Chỉ tính riêng tại các KCN tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có thêm 3 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đi vào hoạt động. Một số nhà máy trước đó hoạt động cầm chừng, nay đã thu hút thêm lao động, tìm kiếm đơn hàng và hoạt động rầm rộ trở lại. Ngoài ra, tại các cảng cá trong tỉnh, nhiều cơ sở chế biến hải sản khô, như ruốc, tôm, cá... cũng làm việc hết công suất, để có nguồn hàng giao cho đối tác xuất bán cho thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
 

"Tấm thẻ vàng không những là sự trừng phạt dành cho hành vi đánh bắt cá trái phép trên vùng biển, mà còn là áp lực để Việt Nam, trong đó có Quảng Ngãi cải thiện nghề cá, hướng tới sự phát triển bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng. Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực chế biến hải sản xuất khẩu, để đáp ứng với tiêu chuẩn ngày càng cao của EU, đặc biệt là thị trường Mỹ".
Chi cục Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản PHÙNG ĐÌNH TOÀN (Sở NN&PTNT)

Sản lượng thủy, hải sản năm 2017 của Quảng Ngãi đạt hơn 190.000 tấn, tăng gần 8% so với năm 2016. Năm 2018, theo dự báo của tỉnh, sản lượng đánh bắt sẽ được giữ vững, trong đó sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ gia tăng, do đội tàu đánh bắt xa bờ được đầu tư, tập trung khai thác ở ngư trường có nguồn hải sản giá trị cao. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chế biến ước đạt hơn 10 triệu USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2017.

...nhưng vẫn còn nhiều lo lắng

Theo kế hoạch, trong tháng 5.2018, Liên minh Châu Âu sẽ cử một nhóm công tác tới Việt Nam để đánh giá các nỗ lực của nước ta trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp. EU sẽ sử dụng các kết quả rà soát để quyết định các bước tiếp theo, xem xét liệu có cần thiết ban hành "thẻ đỏ" đối với hải sản Việt Nam hay không.

Nếu "thẻ đỏ" được đưa ra, Việt Nam sẽ bị cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU. Theo quan điểm của EU, "thẻ vàng" chỉ được rút lại nếu Việt Nam tiến hành hiệu quả tất cả các đề xuất của họ trước đó (tháng 10.2017).

Ở thời điểm này, các DN chế biến hải sản xuất khẩu của Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung đang rất lo lắng về vấn đề này. Đại diện Công ty chế biến hải sản Gallant Dachan Seafood (KCN Quảng Phú) cho biết, hiện tại hoạt động sản xuất kinh doanh rất hiệu quả, nhưng công ty vẫn rất lo. Nếu "thẻ vàng" không được Liên minh Châu Âu rút lại sẽ đồng nghĩa với việc khép lại một thị trường lớn, công ty sẽ gặp nhiều khó khăn.

 Sơ chế hải sản xuất khẩu tại DNTN Mai Hương (Đức Phổ)
Sơ chế hải sản xuất khẩu tại DNTN Mai Hương (Đức Phổ)

Theo các công ty chế biến hải sản xuất khẩu của Quảng Ngãi, EU là thị trường lớn, nhiều tiềm năng trong xuất khẩu hải sản. Nếu không được tham gia thị trường này thì sẽ có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản khó có thể tồn tại.


Bài, ảnh: THANH NHỊ       


.