Tiếp cận vốn tín dụng: Doanh nghiệp vẫn kêu khó

02:06, 11/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là một trong những đối tượng được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, do sản xuất kinh doanh bấp bênh, nên "cánh cửa ngân hàng" chưa rộng mở đối với các doanh nghiệp (DN) này.

Doanh nghiệp thiếu vốn

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm cho nhóm DN thuộc lĩnh vực ưu tiên; đồng thời siết chặt cho vay đối với các lĩnh vực dễ rủi ro, như bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông... để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh. Song, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều DN chưa thể tiếp cận được nguồn vốn để ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh.

Doanh nghiệp hoạt động ngày một khó khăn khi cùng một lúc phải “cõng” trên lưng nhiều chi phí. Trong khi đó, thị trường cạnh tranh bị xé nhỏ, dẫn đến sức cạnh tranh ngày một tăng, nhưng lợi nhuận lại giảm. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhiều DN giải thể, tạm ngừng hoạt động.  

Doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực ưu đãi vốn của ngân hàng nhưng vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn này. Trong ảnh: Sản xuất gạch tại doanh nghiệp Quốc Tiến, thuộc Cụm Công nghiệp Quán Lát, huyện Mộ Đức.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực ưu đãi vốn của ngân hàng nhưng vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn này. Trong ảnh: Sản xuất gạch tại doanh nghiệp Quốc Tiến, thuộc Cụm Công nghiệp Quán Lát, huyện Mộ Đức.


Giám đốc một công ty xây dựng tại huyện Tư Nghĩa cho biết: “DN muốn hoạt động phải có tiền, nhất là trong thời buổi kinh doanh khó khăn như hiện nay. Thế nhưng, thực tế chỉ có các DN lớn, tập đoàn nhà nước mới tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, còn DN tư nhân thì khó lắm. Tất cả đều phải dựa vào tài sản thế chấp”.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ngãi Trần Trọng Bình cho rằng, hiện nay việc vay vốn của các DN có phương án kinh doanh khả thi, năng lực tài chính tốt, tài sản thế chấp đảm bảo là không hề khó, vì các ngân hàng luôn cạnh tranh để cho vay. Tuy nhiên, số lượng DN đảm bảo các yếu tố trên hiện không nhiều, nhất là các DN mới khởi nghiệp. Vì vậy, việc ngân hàng thận trọng không cho vay đối với những DN có tính rủi ro, không khả thi cũng là điều dễ hiểu.

Ngân hàng thận trọng cho vay

Hiện nay, chỉ có khoảng 40% DNVVN trong số các DN đang hoạt động có tiếp cận vốn ngân hàng. Thực tế, các DNVVN khó tiếp cận được vốn vay ngoài nợ xấu tăng và không có tài sản đảm bảo, một phần do tăng trưởng tín dụng bị hạn chế trong những năm gần đây.

Mặt khác, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm dần trong thời gian gần đây, nhưng mức lãi suất đó chỉ áp dụng cho đối tượng khách hàng tốt và ngân hàng cũng có sự chọn lọc khá kỹ, tìm DN "khỏe" mới cho vay.

Ðiều đó cũng có nghĩa, chỉ với DNVVN đáp ứng được các điều kiện tín dụng của ngân hàng mới có thể vay được vốn lãi suất ưu đãi, chứ không phải DN nào cũng được sử dụng vốn rẻ.

Đại diện lãnh đạo Agribank Quảng Ngãi cho biết, ngân hàng luôn tạo điều kiện để khách hàng được vay vốn sản xuất kinh doanh. Đồng thời hướng dẫn các lĩnh vực ưu tiên, để DN tiếp cận vốn ưu đãi, nhất là DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, khách hàng phải có tài sản đảm bảo và phương án kinh doanh khả thi.

Đây cũng là ý kiến chung của đại diện lãnh đạo các ngân hàng, vì hiện tại nguồn vốn của các ngân hàng đang rất dồi dào, nên không có lý do gì để không cho DN vay. Ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, nên việc cho vay phải có lãi và đảm bảo an toàn nguồn vốn thì mới có thể giải ngân.

Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.