Để cánh đồng lớn đạt hiệu quả

03:06, 04/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng sau 5 năm xây dựng, các cánh đồng lớn (CĐL) trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, nên cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

TIN LIÊN QUAN

Vụ đông xuân 2017-2018, toàn tỉnh xây dựng 78 CĐL, với diện tích trên 1.500ha, tăng 57ha so với vụ đông xuân 2016-2017. Năng suất bình quân trên CĐL ước đạt 69 tạ/ha, cao hơn đồng đại trà 9 tạ/ha.

Cánh đồng lớn, nhưng nhiều thửa

Sản xuất trên CĐL mang lại nhiều lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp (DN). Với nông dân, họ sẽ được tiếp cận và thực hiện nguyên tắc sản xuất “4 chung” (giống, thời gian gieo sạ, các biện pháp chăm sóc và thời gian thu hoạch). Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và quản lý dịch hại IPM trong sản xuất không chỉ cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường, mà còn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, thu nhập của nông dân sản xuất trên CĐL cũng sẽ tăng so với cánh đồng đại trà từ 20-30%, trong khi chi phí giảm 30-35%, bởi áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất...

Cánh đồng dồn điền đổi thửa mang lại niềm vui được mùa cho nông dân thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh).
Cánh đồng dồn điền đổi thửa mang lại niềm vui được mùa cho nông dân thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh).


Tuy nhiên, trên thực tế, các CĐL trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích lớn (từ 10-40ha), nhưng số thửa ruộng quá nhiều, khiến việc tổ chức sản xuất và quản lý rất khó khăn, hiệu quả kinh tế chưa đạt như mong đợi. Đơn cử như CĐL ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức), có tổng diện tích 40ha, nhưng có đến gần 400 hộ tham gia sản xuất (bình quân 0,1ha/hộ). Vì số thửa ruộng nhiều, lượng hộ tham gia lớn, nên khi DN triển khai thực hiện sản xuất theo nguyên tắc CĐL, xảy ra tình trạng “chín người, mười ý”.

“Quy trình sản xuất trên CĐL đòi hỏi tất cả các hộ tham gia phải thực hiện đồng nhất. Tuy nhiên, có nhiều hộ vẫn giữ thói quen sản xuất theo kinh nghiệm, nên khi thu hoạch, năng suất và chất lượng sản phẩm không đồng đều. Điều này khiến DN và nông dân đều gặp khó”, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT Phạm Văn Thi cho biết.

Ngoài ra, CĐL trên địa bàn tỉnh chỉ mới phát triển về lực lượng sản xuất, còn quan hệ sản xuất vẫn chưa thay đổi. Sự liên kết giữa DN và nông dân chưa chặt chẽ, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Chính vì vậy, hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa DN với nông dân chưa bền vững. Doanh nghiệp thì “chừa cửa sau” cho mình, còn nông dân lại “ai mua giá cao hơn thì bán”, hoặc giữ lại lúa để sử dụng, chứ không tuân thủ các hợp đồng đã ký kết. Điều này khiến DN lao đao, vì hụt sản lượng, không đủ cung ứng cho đối tác.

Dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất

Để CĐL thực sự lớn và mạnh, bên cạnh việc ban hành cụ thể các tiêu chí đánh giá, điều kiện tiên quyết là phải đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tích tụ ruộng đất, nhằm gia tăng diện tích các thửa, giảm bờ vùng, bờ thửa và số lượng hộ tham gia. Điều này không chỉ thuận lợi trong việc tổ chức, quản lý mà còn nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch mía của Nhà máy Đường Phổ Phong.
Ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch mía của Nhà máy Đường Phổ Phong.


Điển hình như CĐL mía có diện tích 22ha của hộ ông Võ Minh Tuấn, ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa). Năm 2016, ông Tuấn thuê đất của hơn 200 hộ dân trong xã (1,3 triệu đồng/sào/năm), để hình thành cánh đồng liên vùng, liên thửa và trở thành đối tác sản xuất, cung ứng nguồn mía nguyên liệu cho Nhà máy Đường Phổ Phong. Không chỉ được DN này hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, giống và chuyển giao ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, ông Tuấn còn được nhà máy bảo hiểm năng suất 100 tấn mía/ha.

Tuy nhiên, điều mà ông Tuấn cũng như các DN và chính quyền địa phương băn khoăn khi thực hiện DĐĐT, tích tụ ruộng đất là, ngoài những vướng mắc về thủ tục hành chính, nông dân vẫn chưa thay đổi tư tưởng “giữ” đất. Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ thấp (15 triệu đồng/ha), cộng với việc phân bổ chậm cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ DĐĐT ở các địa phương.

Năm 2017, HTX Nông nghiệp dịch vụ Tịnh Minh (Sơn Tịnh) tiến hành DĐĐT 7,6ha, kinh phí thực hiện trên 140 triệu đồng. Sau khi DĐĐT, hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng được bố trí phù hợp, quy củ. Kết quả, vụ đông xuân 2017-2018, năng suất lúa trên cánh đồng này đạt gần 70tạ/ha, cao hơn trước 10tạ/ha. Ngoài ra, cánh đồng DĐĐT nên được DN hợp đồng liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm, hiệu quả kinh tế của nông dân cao hơn 15% so với khu vực sản xuất đại trà. Tuy nhiên, vì kinh phí DĐĐT năm 2017 chưa được bố trí, nên kế hoạch DĐĐT 18ha trong năm 2018, cũng như lộ trình thực hiện DĐĐT gần 300ha của xã Tịnh Minh sẽ bị ảnh hưởng.

Không chỉ xã Tịnh Minh, mà nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang đợi kinh phí hỗ trợ DĐĐT. Bởi theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tổng kinh phí thực hiện DĐĐT năm 2017 và các năm trước là trên 32,5 tỷ đồng, nhưng hiện giờ vẫn chưa được bố trí vốn. Vì vậy, năm 2017, toàn tỉnh chỉ DĐĐT được trên 1.740/2.800ha (62%); riêng TP.Quảng Ngãi và huyện Sơn Hà không thực hiện.

Năm 2018, toàn tỉnh có kế hoạch DĐĐT gần 2.800ha, kinh phí thực hiện gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định, ngân sách chỉ hỗ trợ 30,7 tỷ đồng; còn lại các huyện, thành phố tự cân đối nguồn vốn. Do đó, chính quyền các địa phương kiến nghị UBND tỉnh sớm bố trí nguồn kinh phí trả nợ năm 2017 và các năm trước, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục để thúc đẩy công tác tích tụ ruộng đất, DĐĐT, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên các CĐL.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô: “Cần tạo điều kiện cho việc DĐĐT, tích tụ ruộng đất”.


Luật Đất đai quy định tổ chức kinh tế không được nhận quyền chuyển nhượng sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân; đồng thời hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng quyền sử dụng đất trồng lúa. Quy định này khiến nhiều nông dân “giữ” đất lúa, dù họ không có nhu cầu sản xuất, hoặc hiệu quả sản xuất thấp. Vì vậy, việc DĐĐT để xây dựng CĐL gặp nhiều khó khăn, DN cũng khó tích tụ ruộng đất để đầu tư sản xuất lớn.

Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh nghiên cứu thay đổi, ban hành một số chính sách liên quan đến việc khuyến khích DĐĐT, tích tụ ruộng đất thuộc thẩm quyền của tỉnh. Ngoài ra, sắp tới Sở NN&PTNT sẽ tiến hành rà soát, đánh giá các tiêu chí về diện tích, tỷ lệ cơ giới hóa, thời vụ, giống... cũng như hiệu quả cụ thể của các CĐL. Từ đó tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, ban hành bộ tiêu chí CĐL phù hợp với điều kiện sản xuất trên địa bàn tỉnh.

 

Phó Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Đỗ Đức Sáu: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch trên cơ sở liên kết giữa các địa phương”.

Tập trung áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho DN và người nông dân; phát triển các mối liên kết trong chuỗi, trong đó nông dân được phân công nhiệm vụ sản xuất, còn DN có trách nhiệm chế biến, tiêu thụ để mang lại lợi nhuận cho DN và nông dân. Từ đó sẽ nâng cao hiệu quả các CĐL, góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển chuỗi giá trị lúa gạo.


THANH PHONG (thực hiện)

 

 


.