Ngư dân bãi ngang khổ vì tàu giã cào

02:05, 31/05/2018
.
 

(Baoquangngai.vn) - Nhiều năm trở lại đây, tại các vùng bãi ngang trong tỉnh, nạn giã cào đã khiến cho cuộc sống của ngư dân làng chài gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc tận diệt nguồn hải sản ven bờ, những chiếc tàu giã cào còn làm hỏng, kéo mất lưới cụ của cửa ngư dân, khiến họ không còn muốn ra khơi. 

Nhiều ngư dân trắng tay

 
Chúng tôi tìm về thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức) vào những ngày cuối tháng 5, đây là mùa người dân vùng bãi ngang này vẫn thường kéo nhau ra biển đánh bắt. Tuy nhiên, thời điểm này, hàng chục chiếc thuyền, thúng cùng hàng chục tấm lưới được chất đống vẫn nằm im lìm phơi mình trên bãi biển.
 
Ông Huỳnh Thúc Lãm, Trưởng thôn Minh Tân Nam buồn rầu: “Từ bao đời nay, người dân nơi đây chỉ biết bám biển. Thế nhưng, mấy năm nay tàu giã cào từ các huyện trong tỉnh kéo nhau vào vùng lộng biển Đức Minh để đánh bắt cá, thậm chí còn ngang nhiên kéo mất lưới cụ của ngư dân”.
 
Như gia đình ông Nguyễn Là, một trong những hộ dân đã chuyển nghề đi biển ở thôn Minh Tân Nam từ 2 năm nay. Trước đó, cuộc sống của gia đình ông đều nhờ vào nghề câu mực, đánh cá. Nhưng đã không ít lần bị tàu giã cào kéo mất lưới, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Đó là chưa kể đến hàng chục mét lưới bị tàu giã cào kéo xé tan tành. 
 
Cùng cảnh ngộ, vợ chồng ông Đặng Lức (60 tuổi) chỉ có nghề đi biển kiếm sống nên đã vay mượn khắp nơi để đóng chiếc thuyền thúng ra biển kiếm con tôm, con mực về bán kiếm cơm qua ngày. Thế nhưng, từ tháng 12 âm lịch đến nay 10 tấm lưới của vợ chồng ông cũng lần lượt bị tàu giã cào cuốn đi.

 

Ngư dân Đặng Lức ở vùng biển lộng thôn Minh Tân Nam (Đức Minh) rất bức xúc trước nạn giã cào.
Ngư dân Đặng Lức ở  thôn Minh Tân Nam (xã Đức Minh) rất bức xúc trước vấn nạn tàu giã cào.
 
Cũng theo ông Lức, những chiếc tàu giã cào dùng lưới quét còn đỡ, có nhiều tàu sử dụng điện công suất lớn sục dưới chân lưới, tàu giã cào đi đến đâu thì tôm cá triệt đường sống tới đó.
 
“Ngày trước, đi biển ngày ít cũng kiếm được vài ba trăm nghìn, có khi trúng cũng được vài triệu đồng. Giờ tàu giã cào hoạt động ngày đêm, đến con nghêu, con ốc gạo ở tận dưới cát cũng bị quét sạch nói gì những con cá khác” – ngư dân Quang lo lắng.
 
Ông Trần Lững, Trưởng Công an xã Đức Minh cho biết: “Ở Đức Minh có 4 thôn, thì cả 4  thôn người dân đều đi biển. Trong 3 năm trở lại đây, tình trạng tàu giã cào kéo rách và mất lưới đánh bắt cá xảy ra liên tục, khiến ngư dân hết sức bức xúc. Mỗi lần người dân bị kéo mất đều báo về chính quyền xã, nhưng chúng tôi chỉ biết báo cáo lên cấp trên chứ không làm được gì nhiều.
 
Còn nhiều bất cập trong tuần tra, kiểm soát
 
Trước tình trạng trên, không những riêng ngư dân ở xã Đức Minh mà nhiều ngư dân bãi ngang trong tỉnh đã rất nhiều lần trình báo lên cơ quan chức năng. 
 
Nhiều ngư dân cho biết, vì không có phương tiện tuần tra nên không còn cách nào khác lực lượng chức năng phải mượn tàu của họ để tiếp cận, xử lý những con tàu giã cào. Thế nhưng không những không xử lý được mà còn bị rượt đuổi như muốn đâm chìm.
 
Ngư dân cuốn lưới chất đống trên bờ biển vì không muốn ra khơi.
 Nhiều ngư dân ở vùng biển Đức Minh đành để thuyền, lưới phơi mình trên bờ biển chưa hẹn ngày ra khơi.
 
Đội trưởng Đồn Biên phòng Đức Minh Lê Thành Trung cho biết: “Để xử lý triệt  để, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì không có phương tiện tuần tra, kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng để đảm bảo phượng tiện tiếp cận xử lý vi phạm thì phải phối hợp với các lực lượng khác,  xây dựng phương án rất mất thời gian”.
 
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản phân tích, tình trạng tàu giã cào hoành hành ở các vùng bãi ngang đã có từ rất lâu. Thế nhưng, để chấm dứt thực trạng này là rất khó. 
 
“Lực lượng kiểm ngư thì mỏng, đặc biệt không có phương tiện chuyên dụng tuần tra nên khó phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Trong khi đó, các tàu giã cào đều có công suất lớn, di chuyển liên tục. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lên phương án tổ chức các đợt tuần tra để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các các vi phạm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tài nguyên môi trường biển – đảo”. 
 
Bài, ảnh: P. TIÊN
 
 

.