Liên kết kinh tế miền Trung: 10 năm được gì?

01:05, 06/05/2018
.

Sự liên kết các khu kinh tế - công nghiệp trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung sau 10 năm vẫn rất yếu, rào cản nằm ngay ở sự chạy đua thành tích của các địa phương.
 
Sáng 5-5, lãnh đạo 5 tỉnh, thành thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung (gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) cùng các chuyên gia kinh tế đã thảo luận về hướng liên kết phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp (KKT-KCN) trong vùng.
 
Còn giẫm chân nhau
 
Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ tịch hội đồng vùng - cho biết đến cuối năm 2016, Vùng KTTĐ miền Trung có 4 KKT và 19 KCN, thu hút được hơn 1.280 dự án với tổng vốn đầu tư ký kết trên 500.000 tỉ đồng. Trong đó đã thực hiện hơn 210.000 tỉ đồng, thu ngân sách khoảng 36.000-40.000 tỉ đồng. Các KKT-KCN có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

 

Sản xuất và lắp ráp ôtô tại Khu Kinh tế mở Chu Lai Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Sản xuất và lắp ráp ôtô tại Khu Kinh tế mở Chu Lai Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư vào các KKT-KCN còn ít có công nghệ cao; đang thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan, dẫn đến triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch định hướng khai thác tiềm năng sẵn có. Vì vậy, theo ông Cao, đã đến lúc cần xem xét, đề xuất một mô hình liên kết mới.
 
Trong báo cáo, TS Dương Đình Giám - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - nêu rõ đến cuối năm 2016, tổng vốn đầu tư trung bình trên một dự án của các KCN trong vùng chỉ là 104,1 tỉ đồng, dự án FDI là 258 tỉ đồng, trong khi mức trung bình của cả nước tương ứng là 236 tỉ đồng và 357,8 tỉ đồng. Điều này cho thấy các dự án có hàm lượng đầu tư cho công nghệ và năng suất lao động đều thấp.
 
Việc thành lập quá dày các KKT trong vùng với quy mô hình thành, phát triển gần giống nhau nên hầu như chưa hình thành được sự liên kết nào.
 
Không có ràng buộc để theo quy hoạch
 
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét khu vực này chưa xoay chuyển thật sự, khái niệm "trọng điểm" đến bây giờ chưa rõ ràng. Việc thu hút đầu tư còn chạy theo áp lực thành tích; quy mô dự án nhỏ, thiếu chuyên sâu. "Tôi cho rằng chiến lược thu hút đầu tư các địa phương có vấn đề, nhà đầu tư lớn khó vào vì điều kiện thu hút yếu. Huế có các cơ sở y tế tốt như thế, tôi đã từng nói vì sao không thử thu hút nhà đầu tư vào KKT Chân Mây - Lăng Cô về lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm cao cấp" - ông Thiên nêu.
 
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nêu rõ mô hình KKT đặt ra để giải quyết vướng mắc, yếu kém của các KCN mà thí điểm là KKT mở Chu Lai và đến nay có 18 khu như thế nhưng không ra hình thù cụ thể, chưa rõ ràng về quản lý quy hoạch đầu tư giữa ban quản lý và chính quyền ở đó. Vì vậy, trong thực tế có va chạm, bất cập.
 
Vấn đề ưu đãi cho KKT cũng không có gì khác, chẳng qua là sự gò ép, gán vùng đặc biệt khó khăn nhưng thực tế đó là nơi phát triển. Vấn đề này có tác dụng nhất định là thu hút đầu tư nhưng bộc lộ bất cập giữa trong với ngoài KKT. Riêng đối với KCN, theo ông Thanh, bản chất là quy hoạch chuyên ngành theo lợi thế từng vùng nhưng giờ phát triển thoải mái, tạo điều kiện cho nhà đầu tư ở tất cả lĩnh vực. Vì vậy, sự cạnh tranh lại xảy ra giữa các chủ đầu tư KCN nên liên kết rất khó.
 
"Năm 2014, Chính phủ đã có quyết định quy hoạch Vùng KTTĐ miền Trung, đưa ra nhiều chỉ tiêu, mục tiêu, dự án cần tập trung nhưng chúng ta không chú ý gì đến quyết định này, chẳng có ràng buộc nào để các địa phương theo quy hoạch này. Quyết định mang tính hình thức, phát triển theo quy hoạch đó chưa làm được" - ông Thanh nêu.
 
TS Dương Đình Giám khẳng định Vùng KTTĐ miền Trung có tiềm năng phát triển giống nhau nhưng nếu không có sự phân công, hy sinh trong chiến lược phát triển thì sẽ cùng thu hút đầu tư giống nhau và trở nên manh mún. 
 
 
QUANG NHẬT/Báo Người lao động

.