Chính sách hỗ trợ bảo dưỡng tàu vỏ thép: Ngư dân chưa được thụ hưởng

02:05, 19/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù cơ chế hỗ trợ chi phí bảo dưỡng tàu vỏ thép có hiệu lực từ năm 2014, nhưng đến nay, 11 chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được thụ hưởng.

TIN LIÊN QUAN

Sau gần 3 năm đưa vào hoạt động, tàu vỏ thép của ngư dân Võ Văn Tình, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) đã được duy tu và sửa chữa hai lần. Theo ông Tình, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tàu vỏ thép mỗi lần trên 100 triệu đồng, nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Ông Tình bộc bạch: “Tôi đã hai lần làm hồ sơ gửi đến ngành chức năng đề nghị hỗ trợ chi phí bảo dưỡng tàu vỏ thép theo chính sách đã ban hành, nhưng  chưa được giải quyết”.

Vì thiếu vốn, nên dù tàu bị trục trặc, vỏ rỉ sắt, ông Võ Văn Tình, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) vẫn chưa thể tiến hành sửa chữa.                                             Ảnh: M.HOA
Vì thiếu vốn, nên dù tàu bị trục trặc, vỏ rỉ sắt, ông Võ Văn Tình, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) vẫn chưa thể tiến hành sửa chữa. Ảnh: M.HOA


Còn ngư dân Võ Văn Hân, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng nhiều lần chật vật, vì tàu vỏ thép liên tục gặp sự cố. Để đảm bảo hoạt động, năm 2016, ông Hân tiến hành sửa chữa, với chi phí gần 200 triệu đồng. “Sắp tới tàu của tôi tiếp tục phải duy tu, sửa chữa, nhưng không biết xoay xở tiền như thế nào. Tôi rất mong các ngành chức năng xem xét, sớm giải quyết chi phí hỗ trợ, để ngư dân bớt khó khăn”, ông Hân kiến nghị.
 

Theo quy định của Nghị định 67, trong thời gian hoạt động đánh bắt từ 1 – 3 năm, nếu tàu vỏ thép bị hư hỏng, ngư dân tiến hành tiểu tu, trung tu và đại tu. Kinh phí duy tu, sửa chữa này sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100%. Chính sách này áp dụng cho các chủ tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa theo chứng nhận của UBND tỉnh; không vi phạm các quy định pháp luật về thủy sản và quy định pháp luật khác có liên quan.

Không chỉ có ông Hân, ông Tình, mà đến nay, 9 tàu vỏ thép còn lại của ngư dân trong tỉnh đã đến hạn duy tu, sửa chữa, song vẫn chưa được hỗ trợ.

Chi cục trưởng Chi cục Lê Văn Sơn cho biết: “Vì thủ tục rườm rà, nên chưa có ngư dân nào trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng và đủ hồ sơ, dù chi cục đã triển khai, hướng dẫn cụ thể”.

Không những thế, quy định này cũng chồng chéo giữa các cơ quan trung ương. Thông tư số 117/2014 của Bộ Tài chính, ghi rõ: Căn cứ hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ của Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ ngư dân duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép theo chi phí thực tế, nhưng mức chi không quá 1% so với giá trị của chiếc tàu vỏ thép đó.

Trong khi đó, Thông tư  27 của Bộ NN&PTNT chỉ hướng dẫn ngư dân thực hiện các hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép, không đề cập đến định mức kinh tế - kỹ thuật. Sự chồng chéo này khiến hồ sơ của ngư dân bị đơn vị tài chính “gác” lại. Điều này cũng có nghĩa, không biết đến bao giờ ngư dân mới được thụ hưởng chính sách này.  


M.HOA -H.HOA


 


.