Vụ dưa trên bãi bồi sông Trà

09:04, 14/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Khi con nước không còn dâng cao, bãi bồi ven sông Trà trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều loại rau màu, đặc biệt là cây dưa hấu. Phù sa của bãi bồi bao năm qua đã mang lại cho hàng chục hộ dân ở xã Bình Chương (Bình Sơn) đến canh tác ở đây những vụ dưa cho năng suất và sản lượng cao. 

TIN LIÊN QUAN

Bãi bồi vùng ven sông Trà, đoạn qua xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) những ngày này bạt ngàn những thửa ruộng dưa đang vào mùa thu hoạch. Đây là những ruộng dưa hấu của các hộ dân ở xã Bình Chương đến đây thuê đất để canh tác mỗi khi nước con sông Trà cạn từ nhiều năm nay. 
 
Gắn bó với cuộc sống du canh trên bãi bồi ven sông Trà hơn 5 năm nay, anh Phạm Văn Ba ở thôn An Điềm, xã Bình Chương cười tươi chia sẻ: Cứ vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch, thì các hộ dân ở quê tôi lại đến đây thuê đất, dựng lều bạt trồng dưa hấu. Năm nay, gia đình tôi thuê 14 sào đất để trồng dưa hắc mỹ nhân. Do đất phù sa pha lẫn trên nền cát ven sông rất hợp với cây dưa nên vụ này dưa cho năng suất cao. 
 
 
"Dự kiến, vài ngày nữa các ruộng dưa của gia đình sẽ được thu hoạch. Nếu giá dưa giữ mức ổn định như hiện nay là 6.000– 7000 đồng/kg thì với diện tích này, gia đình tôi cũng kiếm được trên 100 triệu đồng tiền lãi"- vừa nói, anh Ba vừa chỉ vào những ruộng dưa tươi tốt của mình. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi bồi ven sông Trà hiện có khoảng 30 hộ dân ở xã Bình Chương đến thuê đất trồng dưa. Diện tích đất này chủ yếu do một số hộ dân ở xã Tịnh An phát dọn làm thửa và cho các hộ dân thuê lại với giá 800.000 đồng mỗi sào. Mỗi mùa dưa kéo dài trong thời gian vài tháng nên hầu hết các hộ trồng dưa phải dựng lều bạt "ăn, ngủ" cùng với ruộng dưa nhiều tháng liền. 
 
Hầu hết những người trồng dưa trên bãi bồi sông Trà là người dân ở xã Bình Chương
Hầu hết những người trồng dưa trên bãi bồi sông Trà là người dân ở xã Bình Chương
 
Là người có kinh nghiệm trồng dưa nhiều năm qua, lão nông Nguyễn Văn Tòi, ở xã Bình Chương, không giấu giếm khi kể về hành trình du canh của mình. Ông kể, vì ở quê ít đất canh tác nên hàng năm người dân nơi đây đi khắp nơi thuê đất làm ăn. Khoảng thời gian từ tháng 11 (âm lịch) năm trước đến tháng 4 năm sau thì thuê đất ở bãi bồi sông Trà trồng dưa hấu. Khi hai vụ dưa thu hoạch xong, bà con lại di chuyển đến một số tỉnh thành khác như: Đắk Lắk, Đăk Nông, hoặc Phú Yên để trồng tiếp vụ dưa trái vụ. 
 
"Trước đây ở bãi bồi này chỉ có vài hộ dân thuê đất để trồng, sau một thời gian thấy trồng cây dưa có hiệu quả nên nhiều người ở quê vào đây thuê đất trồng. Trồng dưa như ‘đánh bạc với trời’, năm nào giá được thì kiếm được chút ít tiền lãi, còn năm nào giá xuống thấp thì coi như trắng tay. Người dân chúng tôi, ai cũng biết vậy, nhưng ở quê đất đai ít, nên đành phải chấp nhận "may nhờ, rủi chịu", biết đâu, trời thương….!’- ông Tòi bày tỏ. 
 
Những chiếc lều bạt gắn bó với người trồng dưa trong suốt mùa dưa
Những chiếc lều bạt gắn bó với người trồng dưa trong suốt mùa dưa
 
Cũng cùng chung hoàn cảnh du canh như các hộ trồng dưa khác, chị Huỳnh Thị Lan ở xã Bình Chương chia sẻ, đã mấy năm nay, cứ vào mùa này vợ chồng chị gởi con cho ông bà nội ngoại rồi vào đây thuê đất dựng lều ở làm dưa. Năm bữa nửa tháng mới về thăm nhà một lần, còn lại phải ‘ăn ngủ’ với dưa suốt vài tháng trời cho đến ngày thu hoạch.
 
"Nhờ cây dưa mà mấy năm nay, cuộc sống của vợ chồng mình đỡ vất vả hơn. Dù có nhiều lúc thăng trầm, song cũng từ cây dưa mà mình có tiền để lo cho con cái ăn học chu đáo hơn, nhà cửa cũng được sắm sửa đủ đầy hơn"- chị Lan vui vẻ cho biết. 
 
Vụ dưa ven sông Trà đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ. Dẫu người trồng dưa vẫn thấp thỏm lo âu vì giá dưa lên xuống thất thường, song những hộ trồng dưa ven sông Trà vẫn nuôi hy vọng sẽ có thêm một vụ mùa bội thu, được mùa, được giá để cuộc sống gia đình đủ đầy hơn. 
 
Bài ảnh: NGỌC PHƯƠNG
 

.