Vốn tín dụng chính sách: Khó khăn trong thu hồi nợ quá hạn

06:04, 06/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách là tình trạng người vay vốn đi khỏi nơi cư trú, khiến công tác thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn.

Các huyện Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tây và TP.Quảng Ngãi là những địa phương có số người vay vốn nợ quá hạn bỏ đi khỏi địa phương khá cao.

“Ôm nợ” đi khỏi địa phương

Những năm qua, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát huy hiệu quả nguồn vốn và có ý thức trả nợ của người vay, thì tình trạng nợ quá hạn cũng đang gia tăng. Trong đó, không ít trường hợp “ôm” hàng chục triệu đồng tiền vay vốn, bỏ đi các tỉnh, thành phố khác mưu sinh; có trường hợp sinh sống ở trong tỉnh, nhưng ở địa phương khác nên không giám sát được.

Nhà 167 tại Sơn Tây bị
Nhà 167 tại Sơn Tây bị "bỏ hoang", trong khi Ngân hàng CSXH không thu được nợ.


Đơn cử như hộ ông Bùi Lưu Nhân, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa). Năm 2008, ông Nhân vay vốn sinh viên cho con ăn học, đến năm 2014 vay vốn hộ cận nghèo, với tổng số tiền trên 80 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến kỳ trả nợ, ông lại bỏ đi khỏi địa phương. Đến nay, tiền gốc và lãi đã lên đến trên 120 triệu đồng.

Để thu nợ, Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa đã phối hợp với chính quyền địa phương tìm nơi ở mới của ông Nhân. Sau đó, đại diện Hội LHPN thị trấn Sông Vệ (hội đoàn thể được ủy thác cho vay), đến tận Bình Dương để gặp ông Nhân và yêu cầu ông làm cam kết trả nợ. Tuy nhiên, sau khi cam kết, ông Nhân chỉ trả được ba tháng đầu, với số tiền 3 triệu đồng. Qua xác minh, đến nay ông Nhân đã chuyển đi nơi khác và không tìm được địa chỉ. Còn các con ông Nhân sau khi ra trường đã đi làm, nhưng sinh sống ở các tỉnh, nên không thể thu nợ.

Không riêng gì ông Nhân, mà ngay tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cũng “ôm nợ” bỏ đi khỏi địa phương. Đó là trường hợp của ông Phạm Đăng Tuyền, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa). Ông Tuyền trước đây là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Trung và cũng là người trực tiếp quản lý vốn vay của Ngân hàng CSXH. Sau khi vay 28 triệu đồng, ông Tuyền bỏ đi khỏi địa phương. Đến nay, số tiền vay gốc cộng với lãi đã tăng lên 40 triệu đồng.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa Trần Thị Hồng Oanh cho biết: “Tính đến cuối tháng 2.2018, tổng nợ quá hạn trên địa bàn gần 500 triệu đồng, trong đó có 310 triệu đồng của 13 hộ vay đã bỏ đi khỏi nơi cư trú. Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện đã nỗ lực đôn đốc thu hồi nợ. Tuy nhiên, trường hợp như ông Nhân rất khó thu hồi, vì ông đến Bình Dương làm ăn và tá túc ở nhà một người quen, không đăng ký hộ khẩu thường trú lâu dài, nên ngân hàng không thể chuyển hồ sơ vào xã, phường nơi cư trú mới để nhờ thu hộ”.
 

Nợ quá hạn 9 tỷ đồng

Theo thống kê của Ngân hàng CSXH, đến nay, tổng nợ quá hạn tại ngân hàng là 9 tỷ đồng. So với cuối năm 2017, số nợ quá hạn đã  tăng lên 1,6 tỷ đồng.

Khó thu vốn vay làm nhà 167

Huyện Sơn Tây là địa phương có tổng số hộ vay vốn làm nhà 167 thông qua Ngân hàng CSXH nhiều nhất tỉnh, với 1.992 hộ còn dư nợ, với số tiền gần 15,8 tỷ đồng. Bên cạnh  giúp hàng nghìn hộ nghèo có nhà ở kiên cố, xóa tình trạng nhà tạm bợ, thì Sơn Tây còn 73 nhà 167 người dân không ở mà bỏ đi nơi khác sinh sống. Qua khảo sát thực tế tại một số nhà 167 trên địa bàn huyện chúng tôi nhận thấy tình trạng nhà bỏ hoang khá nhiều và đang xuống cấp.

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, nguyên nhân khiến 18 nhà làm theo diện 167 trên địa bàn xã bị bỏ hoang là do vợ chồng ly dị, bỏ đi ở nơi khác; nhà có người chết do tự tử, thường xuyên ốm đau... hoặc có trường hợp không thích ở chỗ cũ, nên di chuyển nhà sang chỗ khác. Đối với những trường hợp này, xã  đã xin ý kiến của huyện, để người dân bán nhà lấy tiền trả nợ cho ngân hàng, nhưng chưa được. Trong đợt Đoàn ĐBQH tỉnh về tiếp xúc cử tri tại địa phương, xã cũng đã kiến nghị Nhà nước xóa nợ khoản vay 8 triệu đồng theo chương trình nhà 167, vì thực tế điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn, khó có khả năng trả nợ.

Theo quy định, khi vay vốn làm nhà 167 thì sau 5 năm, người vay mới phải trả lãi. Song đến thời điểm này, việc thu lãi nhà 167 của Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây lại gặp rất nhiều khó khăn, lãi tồn đã trên 100 triệu đồng. Bên cạnh những hộ khó khăn thật sự, thì nhiều hộ có khả năng trả nợ nhưng lại chây ỳ, hoặc có sự so bì giữa người này, người kia.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Võ Thìn cho biết: Về lãi tồn của nhà ở 167 là do chính sách ân hạn trả lãi trong 5 năm đầu, qua năm thứ 6 mới thu lãi, nhưng lại thu lãi của 5 năm trước đó, dẫn đến số lãi tăng cao, nhiều hộ không có khả năng trả nợ. Khó nhất là các trường hợp khi vay  còn sức lao động, nhưng đến kỳ trả nợ họ lại mất sức lao động hoặc chết, không làm ra tiền để trả nợ.

Bên cạnh đó, một trong những vướng mắc hiện nay là, còn hơn 70 căn nhà 167 chưa trả nợ, nhưng chủ nhà không sử dụng. Vừa qua, huyện đã xin ý kiến của tỉnh. Tuy nhiên, theo cơ chế, việc xử lý nhà này rất khó. Vì theo thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, thì nhà 167 sau 10 năm xây dựng mới được mua bán, chuyển nhượng. Trong khi từ lúc vay đến nay, có nhà mới làm được 7 – 9 năm, nên chưa xử lý được.

Huyện Sơn Tây đã chỉ đạo một số xã, những nơi nào nhà xuống cấp, xã có thể xem xét, xử lý để người vay có thể bán và chuyển nhượng lấy tiền nộp vào tài khoản ngân hàng và đợi đến thời hạn 10 năm thì trả nợ. Bởi nhà không ở sẽ nhanh xuống cấp, mà đợi đến 10 năm mới “thanh lý” thì nhà sẽ không còn.

Chưa có giải pháp bền vững

Để rút ngắn nợ quá hạn, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thu lãi hằng tháng nợ gốc khi sắp đến kỳ trả; tích cực tìm kiếm, đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đối với các trường hợp bỏ đi khỏi địa phương. Riêng đối với các trường hợp chây ỳ, ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay để khởi kiện ra tòa, nhằm thu hồi nguồn vốn. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bỏ đi khỏi địa phương, không tìm ra địa chỉ nơi cư trú mới thì rất khó thu nợ. Thực trạng này đã tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ.

Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường, đối với các trường hợp bỏ đi khỏi địa phương đến nơi khác làm ăn sinh sống, ngân hàng đã phối hợp với nơi cư trú mới và chuyển toàn bộ hồ sơ, số nợ liên quan để nhờ thu giúp. Đồng thời, để giảm tình trạng người vay bán nhà bỏ đi khỏi địa phương, ngân hàng đã phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương ngăn chặn. Hiện công tác quản lý cư trú vẫn còn bất cập, nên ngân hàng không thể nắm bắt được để có thể thu hồi nợ.


Bài, ảnh: HỒNG HOA    
 


.