Triển vọng từ mô hình sản xuất chuyên canh cây đậu nành

10:04, 04/04/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Thay vì trồng các loại hoa màu truyền thống, vụ đông xuân 2017, nông dân ở thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) đã mạnh dạn đưa vào thâm canh 9ha cây đậu nành trên đất phù sa ven sông theo hình thức liên kết với Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày đầu tháng 4, về thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh, chúng tôi được thỏa sức ngắm nhìn những cánh đồng đậu nành rực sắc vàng đang vào mùa thu hoạch.
 
Đến thăm mô hình trồng cây đậu nành của chị Nguyễn Thị Hiếu ở thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh đúng lúc gia đình chị đang tất bật thu hái đậu nành. Chị Hiếu cho biết, năm 2016, gia đình chị đã trồng hơn 1.000m2 cây đậu nành trên diện tích đất chuyển đổi từ trồng ớt và trồng đậu phụng. Năm 2017, thấy có hiệu quả, chị đã quyết định mở rộng diện tích trồng đậu nành lên 5.000m2.
 
Nếu so sánh hiệu quả kinh tế giữa cây đậu nành với các loại cây hoa màu truyền thống như đậu phụng, bắp, ớt thì trên cùng một diện tích cây bắp và cây đậu nành đều cho thu hoạch sau 3 tháng. Trong khi đó, cây bắp đòi hỏi nhiều công chăm sóc, đạt năng suất cao chỉ giỏi lắm được 1 triệu đồng/sào, trong khi cây đậu nành rất dễ trồng, cho năng suất đạt 1,2 tạ/sào, bà con thu lợi nhuận gần 1,5 triệu đồng.
 
Cũng theo ông Lâm Chiến ở thôn Mỹ Hưng từng trồng nhiều loại cây như dưa hấu, đậu phụng, bắp nếp…nhưng đến giờ ông Chiến khẳng định chưa có một loại cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây đậu nành. 
 
Sau 3 tháng đầu tư, chăm sóc, 7 sào đậu nành của ông trồng ở vùng đất bãi bồi ven sông Vệ giờ đây đã sắp cho thu hoạch. Dự tính mỗi sào cho năng suất từ 70 - 80kg hạt và được bán ngay tại đồng sau khi thu hoạch với giá 18 nghìn đồng/kg, ông Chiến thu về khoản lợi nhuận gần 10 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế mang lại gấp 2 - 3 lần so với các loại hoa màu khác.
 
“Năm ngoái chú cũng đã trồng thử 2 sào đậu nành, thấy hiệu quả nên năm nay mới mạnh dạn mở rộng thêm mấy sào nữa. Vài ngày nữa sẽ thu hoạch, coi như chắc ăn rồi. Nhà máy thu mua ổn định, bà con không phải lo đầu ra mà còn được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Vụ sau đầu tư trồng đậu nành tiếp thôi”, ông Chiến phấn khởi nói.
 
jjj
Nông dân phấn khởi thu hoạch vì được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
 
Để tạo thuận lợi cho bà con, ngoài việc bao tiêu đầu ra sản phẩm với mức bảo hiểm là 18.000 đồng/kg, Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy còn cung ứng giống chất lượng cao; hỗ trợ kỹ thuật; phương pháp chăm sóc và thu hoạch cho nông dân.
 
Ông Dương Bá Sơ, chuyên viên nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu Vinasoy, cho biết: “Việc đưa cây đậu nành vào thay đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân xã Hành Thịnh. Cụ thể, qua vụ đông xuân 2017, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích khá cao, thu nhập bình quân của nông dân đạt từ 28 - 36 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu có sự liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau, tạo nên vùng chuyên canh sẽ giảm thiểu tối đa công lao động, hạ giá thành sản xuất và tăng thu nhập cho người nông dân”.
 
Từ thực tế cho thấy, mô hình chuyên canh cây đậu nành tại thôn Mỹ Hưng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế. So với các loại cây hoa màu truyền thống thì trồng cây đậu nành vừa ít vốn, nhẹ phân bón, thuốc BVTV, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, không phải tốn nhiều công chăm bón. 
 
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Thịnh cho biết: Hiện nay thôn Mỹ Hưng, có 40 hộ gia đình đã phát triển mô hình chuyên canh sản xuất cây đậu nành. Qua mô hình, giá trị thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây hoa màu truyền thống khác. Điều đáng phấn khởi hơn là nông dân hoàn toàn yên tâm về đầu ra khi sản xuất đậu nành”. 
 
 
Bài, ảnh: P.TIÊN
 

.