Siết chặt khai thác thủy sản

09:04, 14/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Thủy sản 2017 chính thức được Quốc hội khóa XIV thông qua, cùng nhiều quy định khác liên quan đến quản lý hoạt động tàu cá, quản lý nguồn lợi thủy sản... được xem là “bước ngoặt” trong quản lý của ngành thủy sản.

TIN LIÊN QUAN


Sự ra đời của Luật Thủy sản 2017 và việc triển khai, áp dụng nhiều giải pháp trong quản lý nguồn lợi thủy sản, hoạt động tàu cá, phát triển tàu cá trong năm 2018, đã giúp ngư dân thay đổi nhận thức và có trách nhiệm hơn với nghề.  

Chống đánh bắt bất hợp pháp

Luật Thủy sản 2017 đã luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), trong đó có khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).

 Bắt đầu từ năm 2018, tàu thuyền ra vào cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) phải được Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thực hiện kiểm tra, kiểm soát.
Bắt đầu từ năm 2018, tàu thuyền ra vào cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) phải được Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thực hiện kiểm tra, kiểm soát.


Tập trung vào 9 khuyến nghị của EC, Luật Thủy sản 2017 quy định cụ thể các hành vi bị coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp, như: Khai thác thủy sản không có giấy phép; khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm... Luật khẳng định, thu hồi giấy phép trong trường hợp khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.
 

Tăng cường tuyên truyền luật cho ngư dân

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản đã mở 3 lớp tập huấn, tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017, Chỉ thị  45 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 02 của Bộ NN&PTNT, Kế hoạch 09 của UBND tỉnh về việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh cho gần 200 ngư dân các xã: Phổ Thạnh (Đức Phổ); Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Chi cục sẽ mở thêm 7 lớp tập huấn, để kịp thời tuyên truyền chính sách mới đến với bà con ngư dân trên toàn tỉnh.

Thực hiện chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, luật mới cũng sửa đổi mức trần phạt tiền khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, với mức tối đa áp dụng cho cá nhân là 1 tỷ đồng, tổ chức là 2 tỷ đồng (tăng gấp 10 lần so với trước đây).

Ngoài ra, luật mới cũng quy định, các cảng cá phải có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, thu nhận nhật ký khai thác từ thuyền trưởng, chủ tàu. Các tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra, phải cập vào cảng do Bộ NN&PTNT chỉ định, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chỉ được cấp lại giấy phép khi đã nộp nhật ký khai thác theo quy định... Đây được xem là giải pháp căn cơ về mặt thể chế, giúp siết chặt quản lý, tăng cường trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản, nhằm thoát khỏi án phạt của EC.

Tăng cường quản lý

Ngoài Luật Thủy sản 2017, Bộ NN&PTNT còn ban hành nhiều quy định mới để kiểm soát nghề cá, siết chặt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Thủy sản) Nguyễn Văn Mười cho biết: “Theo Quyết định 82 của Bộ NN&PTNT, hải sâm là loài thuộc nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cần được phục hồi và phát triển, nhưng trước đây, do chưa có quy định về việc cấm đánh bắt hải sâm, nên đơn vị không thể kiểm tra, xử phạt; thì nay trong Thông tư 02 do Bộ NN&PTNT ban hành năm 2018, hải sâm, trai tai tượng là những đối tượng thủy sản bị cấm khai thác.

 Luật Thủy sản 2017 chuyển quản lý tàu cá từ công suất, sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu và tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên khi  tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép.
Luật Thủy sản 2017 chuyển quản lý tàu cá từ công suất, sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu và tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên khi tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép.


Ngoài ra, những quy định mới liên quan đến cấm đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề lặn; cấm cải hoán hoặc chuyển từ các nghề khác sang nghề lưới kéo... cũng được xem là bước ngoặt, giúp phát triển tàu cá theo hướng bền vững và quản lý hoạt động khai thác từ “gốc”.

Để khắc phục tình trạng ngư dân “chây ỳ” trong việc ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản, từ năm 2018, Sở NN&PTNT giao trực tiếp nhiệm vụ cho Ban quản lý cảng cá tiếp nhận sổ nhật ký khai thác của ngư dân. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi tàu hoàn tất việc lên cá, chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải nộp sổ nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo, khai thác thủy sản (đối với tàu khai thác), nhật ký thu mua, chuyển tải (đối với tàu thu mua hoặc chuyển tải) cho Ban quản lý cảng cá. Điều này sẽ giúp công tác kiểm soát của ngành chức năng cũng như việc nộp nhật ký của ngư dân được thuận tiện hơn.

Cũng bắt đầu từ năm 2018, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Tịnh Kỳ và Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa gồm Chi cục thủy sản, Ban quản lý cảng cá, Bộ đội biên phòng có trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến, xuất bến theo quy định. Trước khi xuất bến, các chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải thông tin, thông báo cho Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng trước 2 giờ, để bố trí cán bộ kiểm tra. Khi kiểm tra đáp ứng đầy đủ các quy định, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá sẽ ký, đóng dấu xác nhận vào giấy xác nhận kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.