Hợp tác xã kiểu mới phát huy hiệu quả

09:04, 04/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, nhưng đến nay, HTX Nông nghiệp Long Hiệp và HTX Nông-Lâm nghiệp Đoàn Kết của huyện Minh Long đã có những hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

Gần một năm nay, anh Đinh Văn Chanh, ở thôn Tối Lạc Thượng, xã Long Mai là bạn hàng quen thuộc của HTX Nông-Lâm nghiệp Đoàn Kết. Anh Chanh cho biết: "Những năm trước đi mua keo giống rất khó, tôi phải mua từ nhiều vườn ươm mới đủ giống trồng. Bây giờ, có HTX Nông-Lâm nghiệp Đoàn Kết, cần mua bao nhiêu cũng có. Chúng tôi còn được HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng, nên keo phát triển rất tốt".

Cung ứng giống chuối mốc cấy mô và keo lai ổn định ra thị trường, giúp HTX Nông-Lâm nghiệp Đoàn Kết có doanh thu khá.
Cung ứng giống chuối mốc cấy mô và keo lai ổn định ra thị trường, giúp HTX Nông-Lâm nghiệp Đoàn Kết có doanh thu khá.


Không chỉ riêng hộ anh Chanh, mà hầu hết người dân huyện miền núi Minh Long đã tin tưởng chọn mua giống ở HTX Nông-Lâm nghiệp Đoàn Kết. Nhờ vậy, từ 7 thành viên, đến nay HTX đã tăng lên 14 thành viên tham gia góp vốn, nâng tổng số vốn lên 400 triệu đồng.

Phó Giám đốc HTX Nông-Lâm nghiệp Đoàn Kết Phạm Như Chu cho biết: “Ngoài cung cấp các giống cây bản địa như chè, keo... phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân địa phương, HTX còn trồng thí điểm 1,5 nghìn cây chuối mốc cấy mô ở xã Long Mai để người dân thấy được hiệu quả kinh tế từ giống chuối này. Vừa qua, HTX cũng đã cung cấp 14 nghìn cây gỗ lim giống cho BQL Rừng phòng hộ Minh Long. Không chỉ cung cấp giống cây trồng tại địa phương, HTX còn mở rộng cung cấp giống ra thị trường tỉnh Quảng Nam”.

Với HTX Nông nghiệp Long Hiệp, sản phẩm đơn vị này hướng đến là cây chè Minh Long. HTX đã liên kết với các hộ trồng chè để hỗ trợ phương thức trồng trọt, chăm sóc, cách bẻ cành, nhánh... và thu mua chè. Chị Đinh Thị Hát, ở xã Long Hiệp cho hay: “Người dân ở đây rất phấn khởi, bởi lúc trước chè bán cho thương lái chỉ 4.000 đồng/kg, nay liên kết với HTX thì giá chè từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Người dân không lo bị ép giá, thu nhập cũng dần ổn định”.

Đầu năm 2017, thương hiệu “Chè Minh Long” ra đời đã góp phần khẳng định uy tín, chất lượng chè ở Minh Long và HTX Nông nghiệp Long Hiệp. Để phát triển bền vững, HTX liên kết thu mua cố định trên diện tích 42,5ha chè của người dân và mở rộng thị trường tiêu thụ, với 14 đại lý trong toàn tỉnh. Từ tháng 4.2017, HTX đã tiến hành thu mua 1 tấn chè/ngày, sơ chế đúng quy trình kỹ thuật, đóng gói, bảo quản, có nhãn hiệu trên bao bì.

Trong năm 2017, có 350 nghìn sản phẩm “Chè Minh Long” bán ra thị trường, mang lại doanh thu 200 triệu đồng cho HTX. “Với đặc thù là vùng nông thôn miền núi, việc hoạt động ở một lĩnh vực sẽ gặp nhiều khó khăn, nên HTX đã phát triển đa dạng hình thức hoạt động. Năm qua, HTX đã đầu tư hệ thống ống dẫn nước cung cấp nước sinh hoạt cho 1.000 hộ ở xã Long Hiệp và Thanh An từ nguồn Thác Trắng”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Hiệp Nguyễn Đình Dũng cho biết.

Cả hai HTX trên còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương, với thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Trưởng Phòng NN&PTNT Minh Long Lê Minh Chí cho biết: "Hai HTX này là điểm sáng của kinh tế tập thể ở huyện Minh Long, góp phần giúp địa phương đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương".
 

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 


.