Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Vì sao phải điều chỉnh, bổ sung

08:04, 21/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015-2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 148/QĐ-UBND, ngày 25.5.2015. Quá trình triển khai đã đạt được một số kết quả đáng kể, nhưng cũng bộc lộ những bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

TIN LIÊN QUAN

Kết quả đạt được

Tuy gặp nhiều khó khăn do tác động bất lợi của thời tiết, biến động của giá nông sản trên thị trường, dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản... nhưng năm 2017, tốc độ tăng trưởng vẫn tăng bình quân 4,5%/năm; trong đó, nông nghiệp tăng 2,2%, lâm nghiệp tăng 9,8%, thủy sản tăng 7,5%.

 

 

Sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô.                                   ẢNH: PV
Sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô. ẢNH: PV

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năm 2017, tỷ trọng nông nghiệp giảm 3%, lâm nghiệp tăng 1% và thủy sản tăng 2%. Riêng tỷ trọng trồng trọt có sự chuyển biến tích cực.

Đến nay, các địa phương đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác như cây màu, bắp được 5.356ha. Xây dựng gần 180 cánh đồng mẫu lớn, với diện tích gần 3.000ha. Dồn điền đổi thửa được hơn 4.541ha, trong đó năm 2017 thực hiện được 2.705ha. Giá trị thu hoạch trên 1ha đất canh tác năm 2017 ước đạt 71,6 triệu đồng. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Chăn nuôi bước đầu có sự chuyển dịch từ quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô nông hộ lớn và trang trại, gia trại có quy mô lớn hơn. Toàn tỉnh có 34 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT, trong đó có 2 trang trại chăn nuôi heo được cấp giấy chứng nhận VietGAP; tỷ lệ bò lai trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2017 đạt trên 66,5% so với tổng đàn bò, vượt 6,5% so với chỉ tiêu đề án đặt ra.  

Chương trình xây dựng nông thôn mới, được người dân hưởng ứng tích cực và đạt được nhiều kết quả. Các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sản xuất đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

Điều chỉnh cho phù hợp với thực tế

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được nghiên cứu xây dựng trước khi diễn ra Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX, nên một số chỉ tiêu chưa bám sát tinh thần của nghị quyết đại hội. Mặt khác, Đề án này được xây dựng có quá nhiều mục tiêu, lĩnh vực, nên còn mang tính dàn trải, dẫn đến thiếu nguồn lực để đầu tư thực hiện. Đề án cũng chưa đề cập nhiều đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững và cũng chưa đề cập sâu đến nội dung các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho một số sản phẩm hàng hóa chủ lực... Do đó, việc điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tế là hết sức cần thiết.

Để điều chỉnh, bổ sung đề án, Sở NN&PTNT đã lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và đã tổ chức hội thảo chuyên đề về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực vào cuối năm 2017.

Đầu năm 2018, Sở NN&PTNT tiếp tục tổ chức họp lấy ý kiến của lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở về các nội dung đề nghị điều chỉnh, bổ sung của đề án. Trong đó, tập trung góp ý cho phần cơ cấu lại lĩnh vực, sản phẩm để phân loại thành 3 loại cấp sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản của địa phương.

Nội dung điều chỉnh, bổ sung Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, giai đoạn 2015-2020 nhằm bổ sung các chỉ tiêu tổng hợp và bổ sung các giải pháp thực hiện, với tổng nhu cầu vốn để thực hiện là khá lớn, nên ngoài nguồn vốn của Nhà nước, cần phải huy động các nguồn vốn khác để đầu tư. Trong đó ưu tiên các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.


       Nguyễn Khâm



 


.