Cây cà gai leo "sốt giá" trở lại: Đừng quên bài học cay đắng

09:04, 11/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Cây dược liệu cà gai leo bắt đầu có giá trở lại với giá khoảng 10.000 đồng/kg, người dân hết sức phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, trước thực tế tình hình tiêu thụ, giá cả bấp bênh trong những năm qua, bà con nông dân nên hết sức cẩn trọng trong việc trồng, nhân rộng mô hình.

TIN LIÊN QUAN

Được giá, ai cũng mừng...
 
Cây cà gai leo có nhiều tên gọi khác như cà quánh, cà quýnh... Đây là loại thảo dược có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị viêm gan virus, hạ men gan, xơ gan, giải độc gan. Từ một vị thuốc trong y học cổ truyền, Tập đoàn Tuệ Linh đã chế biến cây cà gai leo  thành các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh về gan.
 
Nếu như cách đây khoảng 2 năm, cây cà gai leo có giá chạm đáy, chỉ khoảng 2.000 đồng/kg. Thì nay, giá thu mua vào khoảng 10.000 đồng/kg, bà con hết sức phấn khởi.
 
Khắp các triền đồi ở huyện Ba Tơ, tranh thủ thời gian nông nhàn, nhiều người đổ xô tìm kiếm, săn lùng trở lại cây cà gai leo. Trên các cung đường, cánh đàn ông trong làng tấp nập những chuyến xe nối đuôi nhau chở cà gai leo đến điểm thu mua.
 
Cà gai leo
Cà gai leo "sốt giá" trở lại, người dân hết sức phấn khởi.
 
Cầm trên tay số tiền mà thương lái đưa, ông Phạm Văn Út, 45 tuổi, ngụ ở thôn Chiêng, xã Ba Liên vui mừng nói, giá cà gai leo giữ ở mức ổn định như thế này, bà con vùng cao có thêm kế sinh nhai. Hai vợ chồng chăm chỉ mỗi ngày cũng kiếm được ít nhất 600 nghìn đồng. Giờ nghĩ lại, mấy năm trước mình chặt hết thật uổng phí.
 
Trên tuyến đường từ cuối huyện Đức Phổ qua xã Ba Liên đã có đến vài cơ sở thu mua. Tại cơ sở thu mua của bà Nguyễn Thị Thúy, 47 tuổi, thôn Đá Chát những ngày này khá nhộn nhịp. Mỗi ngày có hàng chục lượt phương tiện của đồng bào chở cà gai leo đến bán. Người ít thì 10-15kg, nhiều 60-70kg cà gai leo tươi.
 
Bà Thúy cho biết: “Người thu mua và người bán đều phấn khởi. Dân có bao nhiêu thì tôi mua hết. Trung bình mỗi ngày tôi thu mua khoảng 200- 300kg”.
 
Trong khuôn viên gần 500m2 của gia đình bà, những đống cà gai leo tươi chất la liệt khắp nơi. Cà gai leo tươi sau đó sẽ được các nhân công phân loại, chặt nhỏ từng đoạn và mang đi phơi khô để đóng bao. Cứ cách  khoảng 10 ngày, nữa tháng, bà sẽ chuyển ra bán cho các công ty dược, đầu nậu phía Bắc một đợt. Cà gai leo có giá cũng đã tạo thêm công ăn việc làm cho một số lao động làm thuê tại cơ sở.
 
Chủ tịch UBND xã Ba Liên Phạm Văn Cu cho hay, phần lớn số cà gai leo trên được người dân thu hoạch tại các đồi núi trong xã. Trước đây, thời điểm cà gai leo có giá, người dân rủ nhau phá keo để trồng, nhưng khi cây cà gai leo mất giá thì lại phá sạch. Số cà gai leo mà người dân đang thu hoạch là cây dại còn sót lại, mọc và phát triển xen trong các rừng keo.
 
...Nhưng đừng quên bài học đáng buồn
 
Chia sẻ của ông Cu đã nói lên một thực tế đáng buồn xảy ra ở các “thủ phủ” cây cà gai leo trong khoảng vài năm trở lại đây. Từ một loại cây dại, cà gai leo trở thành cây “kinh tế” của các hộ gia đình, hứa hẹn mở ra hướng làm ăn đầy triển vọng trong tương lai. Thế nhưng, từ chỗ được mọi người săn lùng, chỉ trong một thời gian ngắn, cà gai leo rớt giá và trở về với phận cây dại của mình.
 
Trở lại với câu chuyện của cà gai leo vào thời điểm năm 2014. Lúc đó, cà gai leo có giá cho hiệu quả kinh tế cao, chỉ riêng tại xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành đã có 5ha, với khoảng 120 hộ tham gia trồng. Qua trồng thử nghiệm, điều kiện thời tiết, khí hậu tại Quảng Ngãi rất tốt cho cây sinh trưởng, phát triển, năng suất cao và chất lượng dược liệu vượt trội.
 
Từ thành công ban đầu, mô hình tiếp tục được nhân rộng tại một số địa phương khác trong tỉnh như xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), xã Long Mai (Minh Long)…
 
trồng ồ ạt, tự phát mà không nắm chắc đầu ra để bao tiêu sản phẩm. Giá cà gai leo tăng vọt trở lại, người dân cần tránh tình trạng thu hoạch, lùng sục theo kiểu tận diệt.
Cà gai leo được giá, nhưng rút kinh nghiệm từ những năm trước, người dân không nên trồng ồ ạt, tự phát.
 
Thời điểm đó, có kỹ sư Nguyễn Đức Tuệ- Giám đốc Công ty CP ĐT&PT dược liệu Ngọc Linh đứng ra liên kết với Công ty TNHH Tuệ Linh- một công ty bào chế cây cà gai leo để  bao tiêu sản phẩm cho người dân và đầu tư xây dựng xưởng sơ chế, đóng gói, trồng và bảo tồn cà gai leo.
 
Thế nhưng hôm nay, trở lại các địa phương này sau một thời gian ngắn, khi nhắc đến cà gai leo chỉ còn nghe tiếng thở dài. Cà gai leo bị phá sạch và thay thế bằng những cây trồng khác mà người dân cho là có hiệu quả kinh tế ổn định hơn. 
 
Anh Tuệ bày tỏ sự tiếc nuối: “Cứ ngỡ mình đón đầu được dự án và sẽ phát triển mô hình lên một quy mô mới ở quê hương của mình. Nhưng mọi việc tiên liệu đều không xảy không như ý mình mong muốn. Mô hình thất bại, làm ăn thua lỗ, không chỉ người dân bị ảnh hưởng mà toàn bộ cơ sở vật chất đầu tư lên vài tỉ đồng bây giờ đành bỏ phí”.
 
Theo anh chia sẻ thì nguyên nhân xảy ra tình trạng trên đó là do tâm lý của người trồng, vừa nghe cà gai leo có hiệu quả kinh tế cao là thi nhau trồng ồ ạt, mặc cho khuyến cáo của chính quyền địa phương, công ty. Cà gai leo thu hoạch xong cứ có thương lái bên ngoài hét giá cao để phá giá là bán, mà không chủ động liên kết với công ty… Đến khi cung vượt cầu, đầu ra ùn ứ thì bị thương lái ép giá trở lại.
 
Mô hình thất bại, cơ hội thoát nghèo, tăng thu nhập trôi qua. Đây cũng là một bài học để người dân rút kinh nghiệm, tránh tình trạng cà gai leo có giá trở lại rồi trồng ồ ạt, tự phát, không nắm chắc đầu ra để bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, người dân cũng cần tránh tình trạng thu hoạch, lùng sục theo kiểu tận diệt, bởi sau đợt giá chạm đáy, diện tích cà gai leo không còn nhiều.
 
Bài, ảnh: T.Hậu
 
 

.