Xây dựng thương hiệu cho nông sản, hải sản

10:03, 15/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vì tự hào, tâm huyết với nông sản, hải sản quê hương mà nhiều người Quảng Ngãi đã miệt mài đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh và gây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Việc làm của họ, không chỉ giúp cho sản phẩm nông nghiệp Quảng Ngãi đi muôn nơi, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, ngư dân trong tỉnh.

Lúa gạo hữu cơ Nông Tín

Sau hai năm triển khai, mô hình sản xuất lúa hữu cơ để chế biến ra sản phẩm gạo, trà, bột gạo hữu cơ của Công ty TNHH  khoa học và công nghệ Nông Tín đã đem lại những kết quả đáng khích lệ.

 

Sản phẩm gạo, trà, bột gạo hữu cơ của Công ty TNHH khoa học và công nghệ Nông Tín.
Sản phẩm gạo, trà, bột gạo hữu cơ của Công ty TNHH khoa học và công nghệ Nông Tín.

Sản phẩm không chỉ là một loại hàng hóa thiết yếu của cuộc sống, còn là thực phẩm có lợi cho sức khỏe thông qua công dụng của gạo hữu cơ. Mặt hàng này của Công ty Nông Tín hiện đã vào thị trường các tỉnh, thành phố lớn tiêu thụ, người tiêu dùng tin tưởng. Hiện tại, giá các sản phẩm gạo, bột gạo, trà gạo hữu cơ có giá bán từ 25.000 – 45.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với gạo thường. Mô hình này không những mang lại doanh thu cao cho DN, mà còn tăng thu nhập cho người nông dân có hợp đồng liên kết sản xuất với công ty, góp phần bảo vệ sức khỏe, môi trường cho người sản xuất và tiêu dùng.

Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH khoa học và công nghệ  Nông Tín Lê Văn Hội, cho biết: Các sản phẩm này đều được chế biến từ  lúa gạo có  quy trình sản xuất hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng các  loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa học. Lúa sau khi thu hoạch được công ty chế biến ra gạo đen  hay còn gọi là gạo thảo dược, bột trà gạo tím và gạo trắng hữu cơ chất lượng cao.

Để đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm cung cấp cho nhu cầu thị trường, Công ty Nông Tín đã hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, đồng thời thu mua toàn bộ sản lượng qua mỗi vụ.

Ông Nguyễn Ngọc Danh, thôn An Phước, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), cho biết: “Mô hình lúa sạch ít tốn công chăm sóc, hạn chế sử dụng thuốc hóa học hủy diệt môi trường, nhưng thu lãi lại cao. Bình quân một sào thu lợi nhuận từ 1 – 1,3 triệu đồng/vụ”. Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, khẳng định: Mô hình trồng 60ha lúa hữu cơ đã giúp cho nông dân xã Hành Nhân và Hành Tín thu nhập cao. Thế nhưng, điều lớn hơn chính là xây dựng thương hiệu nông sản gạo hữu cơ, giúp người tiêu dùng bảo vệ sức khỏe”.

Muối, ruốc SAHU

Mặc dù còn rất trẻ, nhưng cô gái Phạm Hồng Thắm, chủ nhân của thương hiệu Muối SAHU, khiến cả làng chài Phổ Thạnh (Đức Phổ) hết sức tự hào.

Sinh ra và lớn lên ở sát cảng cá quê hương, tuổi thơ của Thắm chứng kiến bao nhọc nhằn nghề biển của mẹ cha. Những thứ quý giá của biển, người ta dùng mỗi ngày là muối mà sao quá rẻ là câu hỏi thường trực trong đầu Thắm.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thắm đã quyết tâm đầu tư sản xuất muối đạt chất lượng, đăng ký thương hiệu SAHU và tự mình bước đi những bước đầu tiên trong nghề... bán muối!

Sau vài năm nhọc nhằn trên đất Sài Gòn, Đà Nẵng, Hội An... thương hiệu muối SAHU của Thắm đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Để có nguyên liệu sạch, Thắm đã hợp đồng với diêm dân quanh vùng làm muối theo quy trình sạch. Muối thu mua được chế biến theo công nghệ tiên tiến, chất lượng được cơ quan chuyên môn đánh giá, công nhận muối sạch. Hiện tại Thắm đã gây dựng ở mỗi tỉnh, thành phố hàng chục cửa hàng bán sản phẩm muối SAHU.

Mới đây, khi mùa ruốc biển về, Thắm lại mạnh dạn thu mua ruốc, đầu tư chế biến theo quy trình sạch và đóng gói, đưa ra thị trường với tên gọi Ruốc khô SAHU. Hàng sản xuất đến đâu, xuất bán hết đến đó, bởi niềm tin của người tiêu dùng đã được chứng minh qua chất lượng sản phẩm.

Thắm tâm sự: “Sản phẩm có thương hiệu sẽ dễ tiêu thụ, giá bán cao và ổn định, giúp đời sống ngư dân, diêm dân được cải thiện hơn. Đó còn là hướng phát triển bền vững của nghề biển ở làng chài này”.
 
Bài, ảnh: THANH HUYỀN

 

.