Liên kết vùng để phát triển

06:03, 28/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng mạnh mẽ như hiện nay đòi hỏi các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần tăng cường sự liên kết, “phân vai” trong thu hút đầu tư, để tạo sự phát triển cân đối, hài hòa và bền vững giữa các địa phương.

TIN LIÊN QUAN


Đối với Quảng Ngãi, công nghiệp và du lịch là hai lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế rất lớn để thu hút các dự án đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là thế mạnh của một số tỉnh, thành phố trong khu vực, nên có sự cạnh tranh rất lớn trong việc mời gọi, thu hút nhà đầu tư.

Liên kết còn lỏng lẻo

Thời gian qua, đã có nhiều hội thảo, diễn đàn, để tìm giải pháp cho kinh tế miền Trung phát triển bền vững. Tuy nhiên, do "xung đột" lợi ích cục bộ, nên liên kết vùng chưa thật sự hiệu quả.

Sớm xúc tiến đầu tư tuyến container tại cảng Dung Quất, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa.
Sớm xúc tiến đầu tư tuyến container tại cảng Dung Quất, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa.


Theo các chuyên gia kinh tế, tính liên kết của các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) còn lỏng lẻo, tính cát cứ địa phương còn rất lớn. Trong khi đó, từ đặc điểm tự nhiên đến ưu thế thu hút đầu tư, những sản phẩm của khu vực đều có sự giống nhau, tạo nên kiểu hình thái nhiều cực đồng tiến. Do đó, các địa phương miền Trung cần có sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ trong việc thu hút đầu tư, mà còn hợp tác cả trong đào tạo nhân lực, xây dựng hạ tầng giao thông... Đặc biệt, khu vực này cần một thể chế thật sự vượt trội, xây dựng trục kinh tế biển thống nhất, ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng. Qua đó, mỗi tỉnh, thành phố chọn cho mình một điểm nhấn nhất định, nhằm tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Liên kết vùng còn hạn chế là do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT có nét tương đồng. Đa số các tỉnh, thành đều có cảng biển, sân bay, KKT, KCN. Phần lớn các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có của mình. Vì vậy, cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ...

Chọn thế mạnh để tạo sự đột phá

Quảng Ngãi có lợi thế rất lớn từ KKT Dung Quất, với điểm nhấn là NMLD Dung Quất, nên rất thuận lợi để phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và xây dựng thành trung tâm lọc hóa dầu của cả nước. Do đó, Quảng Ngãi cần lựa chọn thế mạnh này để tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và các sản phẩm hóa dầu trở thành ngành mũi nhọn, quyết định sự tăng trưởng nhanh, bền vững và thân thiện với môi trường.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, với định hướng xây dựng Dung Quất thành trung tâm lọc hoá dầu quốc gia, nên cần có cơ chế, nhằm thu hút những ngành nghề liên quan, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khai thác cảng biển. Bởi, Dung Quất dù có lợi thế cảng biển nước sâu, nhưng lại chưa có tuyến container, nên các doanh nghiệp muốn vận chuyển hàng hoá phải đi Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh...

Bên cạnh phát triển công nghiệp, tỉnh ta cần khai thác tốt lợi thế phát triển du lịch trong mối liên kết với các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT và hành lang kinh tế Đông Tây. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch liên kết phát triển Vùng KTTĐMT năm 2018 của Quảng Ngãi. Theo đó, Quảng Ngãi sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia xây dựng, hoàn thiện hai đề án: Cơ chế liên kết Vùng KTTĐMT và phát triển nguồn nhân lực Vùng KTTĐMT.

Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng cho các dự án lớn trong KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh. Hoàn thành và đưa vào sử dụng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh... kết nối với các tỉnh trong vùng. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Xúc tiến hình thành tuyến container tại cảng Dung Quất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng và trong Vùng KTTĐMT nói chung. Ngoài ra, tổ chức xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Quảng Ngãi; tham gia xây dựng hình ảnh, biểu tượng du lịch kết nối toàn vùng...


Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.