Giá nông sản chạm đáy

08:03, 05/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau Tết, nhiều loại nông sản giảm giá mà sức tiêu thụ vẫn khó khăn. Đặc biệt rau xanh, dù giá giảm từ 10- 20 lần so với trước Tết mà vẫn không có người mua. Nông dân băn khoăn có nên tái sản xuất hay bỏ đất trống.

Tiền bán rau không đủ trả công thu hoạch

Hiện tại, giá rau tại ruộng dao động từ 500 – 2.000 đồng/kg. Rẻ nhất là rau cải cúc, xà lách, cải ngọt, đậu cô ve nhiều ngày nay giá chưa tới 1.000 đồng/kg. Riêng rau cải bẹ xanh muối dưa, do nhu cầu về dưa chua ổn định, nên giá bán sau Tết cầm chừng 2.500 đồng/kg. Giá các loại rau so với trước Tết giảm khoảng 15 – 20 lần. Những ngày cận Tết, đậu cô ve giá 20.000 – 25.000 đồng/kg; xà lách 15.000 đồng/kg.

Thu hoạch rau ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).
Thu hoạch rau ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).


Chị Bùi Thị Hồng, ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) trồng 2 sào đậu cô ve, trước Tết hái được hai lứa, bán giá 25.000 đồng/kg. Ngày đầu tiên mở chợ sau Tết đậu còn 5.000 đồng/kg. Còn hiện tại giá chỉ 1.000 đồng/kg. Các loại rau kể trên dù rẻ, nhưng thị trường vẫn tiêu thụ. Riêng bắp cải hiện không có người thu mua, nông dân đành bỏ mặc nhiều diện tích không thu hoạch.

Tại vùng rau xã Nghĩa Dũng, những hàng bắp cải nằm khoanh tròn héo úa. Chị Đỗ Thị Hồng, cho biết: “Không bán được, kêu người ta cắt về cho bò họ cũng không thèm. Chưa năm nào bắp cải lại không có người mua như thế này”.

Mía, mì, keo khó tiêu thụ

Tình hình đầu ra của sản phẩm dăm gỗ, đường, tinh bột mì gặp khó khăn kéo theo việc tiêu thụ các nông sản này của nông dân chững lại.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh hàng chục nhà máy chế biến dăm gỗ ngừng hoạt động. Trong đó không ít nhà máy đang rao bán để trả nợ ngân hàng.

Đặc biệt sau Tết, người dân một số vùng như Minh Long, Tây Trà việc bán keo gặp khó khăn do nhà máy chưa hoạt động trở lại. Giá thu mua keo hiện chưa tới 900.000 đồng/tấn, trừ công thu hoạch, thuê xe vận chuyển, người trồng keo chỉ thu được 150.000- 200.000 đồng/tấn gỗ keo.

Đối với cây mía, do giá đường giảm sâu từ đầu năm 2018, dẫn đến giá mía cây giảm mạnh so với niên vụ trước.

Hiện tại nhiều vùng mía của Quảng Ngãi, nông dân chưa có lịch thu mua của nhà máy, nên đành để đứng đồng với lo lắng chữ đường sụt giảm do mía quá lứa. Ngoài ra, do mía cây còi cọc, chữ đường thấp không đạt yêu cầu nhà máy đưa ra, vì thế giá bán sẽ thấp hơn nhiều so với giá nhà máy niêm yết.

Mặt hàng tinh bột mì xuất khẩu đang phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Thời gian gần đây, sản phẩm từng được xem là “mũi nhọn xuất khẩu” của Quảng Ngãi đang mất dần vị thế.

Năm 2018, dự báo tình hình xuất khẩu tinh bột mì sẽ càng khó khăn hơn do mở cửa hội nhập. Các nhà máy chế biến tinh bột mì tại Quảng Ngãi cũng đang lúng túng trong giải pháp kinh doanh. Hiện tại cơ cấu giá thành sản phẩm này của Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan, nhưng chất lượng lại không cao hơn.

Ngoài keo, mì, mía, rau xanh, hiện tại một nông sản khác là dưa hấu cũng đang hiển hiện một nỗi lo không kém. Ồ ạt vào vụ, bất kể vùng đất nào trồng được cây dưa là dọn đất... trồng dưa, trong khi chưa có bất kỳ hợp đồng bao tiêu sản phẩm nào được đàm phán. Bài học của những mùa dưa năm trước với nhọc nhằn kêu gọi “giải cứu”, vẫn chưa đủ sức lay động nông dân về một tính toán kỹ càng hơn với loại cây trồng này.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.