Nhộn nhịp làng nhang Nghĩa Hòa

02:01, 24/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người dân xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), nổi tiếng với nghề làm nhang thủ công truyền thống từ nhiều năm qua. Dù trải qua nhiều khó khăn, nhưng bao thế hệ người dân nơi đây vẫn giữ nghề và trang bị nhiều phương tiện hiện đại để sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Về xã Nghĩa Hòa những ngày này, không khí của mùa xuân dường như đã len lỏi vào trong từng ngôi nhà. Trên con đường vào làng, đâu đâu cũng bắt gặp sắc màu rực rỡ của hàng ngàn bó nhang đang được người dân hối hả mang phơi. Mùi thơm của hương quế, hương trầm lan toả khắp làng. Đây cũng là thời điểm các hộ gia đình đẩy mạnh sản xuất để kịp cung ứng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Đưa phương tiện máy móc vào sản xuất nhang.
Đưa phương tiện máy móc vào sản xuất nhang.

Cơ sở sản xuất nhang của ông Lê Quang Thành, ở thôn Hòa Bình có trên 30 năm làm nghề, những ngày này luôn tất bật với những đơn đặt hàng từ khắp nơi trong tỉnh. Ông Thành, cho biết: Trước đây, các công đoạn làm nhang đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công. Mỗi ngày sản xuất 10 nghìn cây nhang phải có hai lao động làm việc cật lực. Còn nay, đưa máy móc vào hoạt động, một người có thể làm ra 20 nghìn cây nhang/ngày.
 
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Nguyễn Chí Thanh, cho biết: Nghề nhang của Nghĩa Hòa ngày càng phát triển, nhiều hộ gia đình mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, quy mô sản xuất ở đây vẫn nhỏ lẻ, thương hiệu chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, xã đã và đang xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để tăng quy mô sản xuất, xây dựng tổ hợp tác sản xuất quy mô lớn, liên kết để tiêu thụ và tăng cường quảng bá để xây dựng thương hiệu cho làng nhang Nghĩa Hòa, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đầu tư dàn máy hơn 20 triệu đồng, chúng tôi còn cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Để tiết kiệm thời gian, gia đình ông Thành đã trang bị 2 máy làm nhang, giải quyết việc làm cho 3- 4 lao động nông nhàn. “Đây là nghề của cha ông để lại. Trước kia, làm ra mẻ nhang rất vất vả, nhưng vẫn bám trụ lấy nghề để mưu sinh. Bây giờ thì có máy móc hỗ trợ, nên năng suất rất cao. Tuy nhiên, giá nhang còn bấp bênh, đầu ra không ổn định”, ông Thành chia sẻ.

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của anh Mai Xuân Chiến, ở thôn Hòa Bình. Đây cũng là một trong những hộ làm nhang lâu đời nhất ở đây. Cơ sở của ông Chiến có 3 máy làm nhang hiện đại. Những ngày này, cơ sở của ông luôn tất bật với việc sản xuất, cung cấp theo các đơn đặt hàng từ khắp nơi để phục vụ thị trường Tết.
 
Mỗi ngày máy làm nhang của ông Chiến sản xuất khoảng 5-6 thớt nhang (mỗi thớt hơn 10 nghìn cây). "Nghề này làm quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là tháng Chạp. Hiện nay, nhiều khách đặt hàng, nhưng không thể nhận, vì thời tiết không nắng. Mấy ngày nay cơ sở phải dùng máy để sấy nhang”, ông Chiến cho biết.

Ông Trần Vĩnh Quế, năm nay đã hơn 80 tuổi, một trong những bậc cao niên làm nhang lâu đời ở Nghĩa Hòa luôn mong muốn, nghề làm nhang ở địa phương cần được giữ gìn và ngày càng phát triển hơn nữa. Ông Quế chia sẻ: “Làm nhang không khó. Nguyên liệu làm nhang gồm tăm, bột quế, bột keo, bột cưa... Tuy nhiên, với mỗi cơ sở đều có bí quyết pha trộn khác nhau để cho ra những mùi hương đặc trưng nhất của mỗi cơ sở". Cũng theo ông Quế, nghề làm nhang liên quan đến tâm linh, nên hầu hết các cơ sở sản xuất đều tâm niệm rằng không được làm nhang giả, nhang kém chất lượng. Mỗi mẻ nhang, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, hình thức thế nào...

Hiện nay, xã Nghĩa Hòa có khoảng hơn 200 hộ làm nhang, đa số đều trang bị máy móc hiện đại để sản xuất. Làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.


Bài, ảnh: KIM NGÂN


 


.