Giá mía giảm - nỗi lo tăng

06:01, 14/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công ty CP Đường Quảng Ngãi vừa chính thức bước vào vụ ép 2018. Với giá thu mua mía cây sụt giảm đáng kể, khiến người trồng mía băn khoăn. Về phía công ty, cũng nặng nỗi lo, vì giá đường trên thị trường đang giảm mạnh.

TIN LIÊN QUAN

Giá mía giảm sâu

Nông dân vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Bao hy vọng, háo hức có một mùa mía thắng lợi như vài năm trước đã biến mất. Giá mía đã giảm khá sâu, trong khi chi phí thu hoạch, vận chuyển mía về nhà máy lại tăng vọt.

Cuối tháng 12.2017,  các nhà máy đường thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi phát đi thông báo giá mua mía vụ sản xuất đường 2017 – 2018 với giá 780.000 đồng/tấn (loại10 chữ đường) tại ruộng. Ngoài ra, nếu mía đạt “mía chín, tươi, sạch” được khuyến khích thêm 20.000 đồng/tấn. Người trồng mía phải chịu chi phí cước vận chuyển tính theo cự ly bến bãi, từng vùng hoặc từng khu vực. Giá mía cây so với niên vụ 2016- 2017 giảm 150.000 đồng/tấn.

Nông dân bán mía cây cho Nhà máy Đường An Khê.
Nông dân bán mía cây cho Nhà máy Đường An Khê.


Tuy nhiên, theo người trồng mía, hầu hết mía thu hoạch không đạt 10 chữ đường và cũng rất hiếm khi được hưởng “khuyến khích” của nhà máy là 20.000 đồng/tấn.

Hiện tại, các hộ trồng mía chủ yếu là bán mía đứng cho thương lái tại ruộng với giá 300.000 – 380.000 đồng/tấn. Các thương lái sẽ đốn, vận chuyển về nhà máy bán theo giá quy định hiện hành. Thế nhưng, năm nay do mía rớt giá, thương lái cũng không mạnh dạn thu mua như mọi năm.

Các hộ dân trồng mía cho biết, năm nay doanh thu trồng mía giảm 30 - 50%  so với vụ trước. Với sản lượng khoảng 100 tấn/ha, doanh thu 1ha mía khoảng 35 triệu đồng, trừ tất cả chi phí, cao nhất chỉ lãi chừng 5 – 7 triệu đồng. Nếu là mía thu hoạch vụ đầu, công chăm sóc, chi phí cao thì huề hoặc lỗ vốn.

Giải pháp bảo vệ sản xuất

Theo lộ trình từ năm 2018, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như trước đây. Điều đó đặt ra rất nhiều thách thức cho các nhà máy sản xuất đường và người trồng mía.

So sánh giá đường trước và sau thời điểm “hội nhập giá” thấy có sự chênh lệch rất rõ. Trước đó giá bình quân 15.000 đồng/kg; còn hiện tại giá giảm khoảng 4.000 đồng/kg, đưa giá đường về mốc thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê Lê Văn Phước, cho biết: "Giá mía cây bằng 60% giá đường RS. Giá đường hiện nay là 11.000 đồng/kg, vậy nên giá mía cây vào khoảng 660 đồng/kg. Nhà máy đưa ra giá 780 đồng/kg đối với mía cây đạt 10 chữ đường là có tính đến hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía”.

Tuy nhiên, ông Phước cũng thừa nhận, hiện tại bình quân chữ đường mía cây về nhà máy chỉ khoảng 9,7 chứ không đạt 10 chữ. Do đó, để chạm vào giá nhà máy đưa ra là khó thành hiện thực.

Trước đó, Tổng Giám đốc Công ty CP đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cũng cho biết: “Việc chuẩn bị “đón” giá đường hội nhập ASEAN được công ty vạch ra giải pháp từ 10 năm trước. Và liên tục trong 10 năm ấy, công ty đã từng bước thực hiện các giải pháp như “cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa và tối ưu hóa”. Chính vì thế, khi giá đường xuống thấp vào đầu năm 2018, các nhà máy đường trực thuộc vẫn giữ nhịp độ hoạt động ổn định. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức không phải là đã kiểm soát được một cách triệt để".

Trong tương lai, để giúp nông dân có thể sống tốt nhờ cây mía dù giá đường có thể duy trì ở mức 11.000 đồng như hiện nay hoặc có thể giảm sâu hơn, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đang tính đến giải pháp sản xuất đường tinh luyện. “Sắp đến nhà máy sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện để từ ngày 1.1.2019 sản xuất cả loại đường này. Giá của đường tinh luyện từ 18.000– 20.000 đồng/kg, nếu đưa vào siêu thị. Còn xuất khẩu thì giá sẽ cao hơn nhiều”,  Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê Lê Văn Phước chia sẻ.


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.